Đang ‘hồi sinh’ nhưng ngành mía đường vẫn còn nhiều thách thức
Phóng viên Báo Công Thương cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Cao Anh Đương - Viện trưởng Viện nghiên cứu Mía đường - để hiểu hơn về những thách thức ngành mía đường đang gặp phải và có những biện pháp hữu hiệu nhằm củng cố chuỗi sản xuất lấy lại thị trường đường trong nước.
Ông có thể cho biết "bức tranh: toàn cảnh về ngành mía đường trong những năm qua và vụ mía gần nhất 2023/2024 như thế nào?
Kể từ sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1578/QĐ-BCT ngày 15/06/2021 áp dụng thuế chống bán phá giá đường mía có xuất xứ từ Thái Lan và Quyết định số 1514/QĐ-BCT ngày 01/08/2022 về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, được nhập khẩu vào Việt Nam qua Campuchia, Lào, Indonesia, Mianma, ngành mía đường Việt Nam đã từng bước hồi phục.
Từ sản lượng mía 6,7 triệu tấn mía và 687,6 ngàn tấn đường trong vụ 2020/2021, đã tăng lên 7,5 triệu tấn mía và 748,1 ngàn tấn đường trong vụ 2021/2022; 9,6 triệu tấn mía và 935,1 ngàn tấn đường trong vụ 2022/2023, lên mức 10.9 triệu tấn mía và 1.147,61 ngàn tấn đường trong vụ 2023/2024.
Vụ mía 2023/2024 là lần đầu tiên Việt Nam đạt năng suất 6,8 tấn đường/ha, mức cao nhất trong khu vực ASEAN, cao hơn so với 3 quốc gia sản xuất đường chủ yếu khác trong ASEAN là Thái Lan (5,98 tấn/ha), Philippines (4,81 tấn/ha) và Indonesia (4,56 tấn/ha).
Tiến sĩ Cao Anh Đương - Viện trưởng Viện nghiên cứu Mía đường Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Thực trạng nguồn cung và cầu của ngành mía đường hiện nay như thế nào, thưa ông?
Theo Agromonitor/Viettaders, tổng nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam hiện nay khoảng 2,18 triệu tấn/ha, trong đó 40 - 45% là cho tiêu dùng trực tiếp, phần còn lại thông qua các sản phẩm chế biến công nghiệp và lớn hơn 60% tổng nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam thuộc vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh.
Về nguồn cung, cũng theo Agromonitor/Viettaders, hiện ngành mía đường Việt Nam chỉ sản xuất và đáp ứng được 39% nhu cầu tiêu dùng; 45% là từ nguồn đường nhập khẩu, phần còn lại là đường lậu và gian lận thương mại.
Thị trường đường luôn ở trong tình trạng thừa cung. Đây là tình hình vô cùng bất thường khi sản lượng đường từ mía tuy có tăng nhưng vẫn chưa phục hồi về mức sản xuất bình thường trước đây hầu như không thể tiêu thụ được.
Đặc biệt là hiện tượng bùng nổ nhập khẩu đường lỏng siro ngô HFCS và đường nhập lậu có nguồn gốc Thái Lan qua biên giới Tây Nam với Campuchia và Lào. Đường nhập lậu với bản chất là đường phá giá đã chiếm lĩnh thị trường đường vốn đã bị thu hẹp vì đường lỏng siro ngô HFCS. Giá đường trong nước giảm và ở mức thấp so với giá đường của các quốc gia trồng mía trong khu vực (Indonesia, Philippines và Trung Quốc).
Đến thời điểm này, tác động của loại đường phá giá đến chuỗi liên kết sản xuất mía đường vô cùng nghiêm trọng. Kể từ khi kết thúc vụ ép 2023/2024 đến nay, hầu như các nhà máy không thể bán được đường sản xuất từ mía vì thị trường đã bị đường nhập lậu thống trị.
Tình hình đã đến mức báo động khẩn cấp. Vì nếu tình hình này tiếp diễn, các nhà máy không thể tiêu thụ hết đường đã sản xuất trước khi vào vụ ép mới 2024/2025 dự kiến vào tháng 11/2024. Không những vậy, nếu bán để giải phóng kho, sẽ buộc phải bán dưới giá thành sản xuất dẫn đến thua lỗ và chắc chắn các nhà máy không thể duy trì giá mua mía cho nông dân trong vụ ép sắp tới.
Những năm qua, ngành mía đường Việt Nam luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vậy, những thách thức cụ thể đó là gì, thưa ông?
Những thách thức chính của ngành mía đường Việt Nam trong những năm gần đây và hiện nay đó là: Hội nhập quốc tế trong bối cảnh thị trường đường thế giới biến động vì chính sách can thiệp và gian lận thương mại quốc tế. Chính phủ của nhiều quốc gia sản xuất mía đường tại Đông Nam Á và lân cận với Việt Nam đã có những chính sách can thiệp đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đường. Trong số này, có những quốc gia sản xuất mía đường chính trong khối ASEAN là Thái Lan, Philippines, Indonesia và hai quốc gia có đường biên giới chung với Việt Nam là Lào và Campuchia. Chính sách do các quốc gia này áp dụng có ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất mía đường tại Việt Nam.
Thị trường tiêu thụ đường sản xuất từ mía bị thu hẹp do sự gia tăng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS. Hầu hết đường lỏng sirô ngô nhập khẩu vào Việt Nam là loại HFCS-55 - loại đường lỏng chứa 55% fructose và 45% glucose có độ ngọt cao hơn đường từ 25 - 60% và thực tế đã chiếm thị phần chất làm ngọt trong ngành nước giải khát, khiến cho ngành đường Việt Nam hầu như không còn đơn hàng đường từ ngành này, thị phần đường trong ngành nước giải khát vụ 2023/24 giảm đến mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Môi trường kinh doanh ngành đường chưa lành mạnh: Đường nhập lậu và các loại đường vi phạm quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc đang được bán phá giá và lưu thông tự do, không được kiểm soát chặt chẽ, khiến đường sản xuất trong nước, là đầu ra của cây mía bị thu hẹp, cắt đứt chuỗi liên kết mía đường. Ngoài ra, còn có hiện tượng một số doanh nghiệp lớn đang chi phối thị trường đường trong nước thường xuyên có hành vi ghìm hàng tăng giá, khiến giá đường bị khan hàng và giá bị đẩy lên cao bất thường.
Việc phân tích xác định chữ đường của nhà máy đường chưa khách quan, minh bạch, chưa tạo được lòng tin với người trồng mía. Người trồng mía hầu như không có tiếng nói trong việc hiệp thương, mặc cả hay đưa ra quyết định về giá mía nguyên liệu
Ngành mía đường Việt Nam ghi nhận sự hồi sinh, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Ảnh: Tuấn Anh |
Có thông tin cho rằng thực trạng đường nhập lậu diễn ra khá mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp khó trong sản xuất, kinh doanh?
Theo thống kê hàng năm, có khoảng 600.000 tấn đường trắng được buôn bán qua biên giới Campuchia - Việt Nam và Lào - Việt Nam.
Bản chất là đường phá giá nguồn gốc từ Thái Lan đi qua Campuchia, Lào vào Việt Nam. Hiện tượng này đã xảy ra nhiều năm, trước khi ngành đường thực thi ATIGA năm 2020, Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường, đến năm 2021 - 2022, chỉ còn 25 nhà máy hoạt động, hơn 100.000 gia đình nhà nông phải chuyển sang trồng cây khác.
Rất nhiều hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu đã được cơ quan chức năng phát hiện xử lý trên tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, tuy nhiên, nhiều kẻ hở đang được các đối tượng kinh doanh phi pháp lợi dụng.
Để củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, theo ông, ngành mía đường cần tập trung thực hiện nhiệm vụ gì?
Để bảo đảm phát triển bền vững, ngành mía đường Việt Nam cần có các biện pháp phù hợp để củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh cây trồng ngày càng gia tăng tại các địa phương. Một số định hướng cho công tác củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường trong niên vụ gồm có:
Ổn định thu nhập của người trồng mía trên cơ sở người nông dân trồng mía được hưởng giá mua mía bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất và có lãi. Đồng thời, áp dụng các giải pháp công nghệ và kỹ thuật để giảm chi phí và tăng năng suất.
Áp dụng các giải pháp hỗ trợ nông dân trong công tác đầu tư trồng và thu hoạch mía trên cơ sở chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tham gia bình ổn thị trường đường vì thị trường đường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía – đường trên nguyên tắc đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ổn định giá đường ở mức hài hòa hợp lý đối với người tiêu dùng và không để giá đường vượt quá mức giá của các quốc gia lân cận.
Trong bối cảnh sản xuất đường từ mía trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, thì việc phải nhập khẩu thêm đường từ nước ngoài là tất yếu. Nhưng nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn đường nhập khẩu chính ngạch, song song với việc ngăn chặn nguồn đường nhập lậu và gian lận thương mại.
Đặc biệt, về định hướng chiến lược phát triển lâu dài của ngành mía đường, cần hết sức tránh dẫn tới viễn cảnh chúng ta là quốc gia hội đủ mọi điều kiện thuận lợi để có thể sản xuất và cung ứng đủ đường ăn cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, thậm chí tham gia xuất khẩu, lại trở thành một quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn đường nhập khẩu như Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc),… hiện nay.
Cần kiểm soát và đối phó với hiện tượng phá giá đường khiến đầu ra của cây mía bị thu hẹp, cắt đứt chuỗi liên kết mía đường hoặc hành vi ghìm hàng tăng giá khiến giá đường bị đẩy cao bất thường,...
Xin cảm ơn ông!