Đang còn bao nhiêu tổ chức tín dụng yếu kém?
Giai đoạn 2011-2015, các tổ chức tín dụng yếu kém được xác định, khoanh vùng, tiến hành xử lý qua sáp nhập, hợp nhất, tự tái cơ cấu hoặc bị NHNN mua lại bắt buộc, hoặc bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt |
Từ cuối năm 2011, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu triển khai quá trình tái cơ cấu, “tổ chức tín dụng yếu kém” hay “ngân hàng yếu kém” bắt đầu được nêu rõ, nhận diện và xác định cụ thể. Tại thời điểm đó, có 9 ngân hàng yếu kém được NHNN công bố đợt đầu, đưa vào diện phải tái cơ cấu bắt buộc. Đến đầu tháng 11/2013, trong báo cáo gửi Quốc hội, NHNN cho biết đã đánh giá và xác định thêm 8 tổ chức tín dụng yếu kém nữa; trong đó có thêm 2 ngân hàng cổ phần, 6 tổ chức phi ngân hàng yếu kém. Đến ngày 5/10/2015, tại hội thảo nhìn lại quá trình tái cơ cấu, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, trong giai đoạn từ năm 2011, số lượng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức, thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép. Qua giai đoạn tái cơ cấu 2011-2015, các tổ chức tín dụng yếu kém được xác định, khoanh vùng, tiến hành xử lý qua sáp nhập, hợp nhất, tự tái cơ cấu hoặc bị NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng. Nhưng đây chủ yếu là quá trình sắp xếp lại các thành viên trong hệ thống. Đến nay, báo cáo trên của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, vẫn còn nhiều tổ chức tín dụng được nhận định là yếu kém. Cụ thể, báo cáo cho biết: “Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tuy nhiên nợ xấu phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu tại một số tổ chức tín dụng yếu kém (nợ xấu của 19 tổ chức tín dụng chiếm 55,1% tổng nợ xấu hệ thống)”. Cũng theo báo cáo trên, lãi dự thu của hệ thống tổ chức tín dụng cao, tăng 17,2% so với cuối năm 2015, tập trung tại một số tổ chức tín dụng yếu kém (lãi dự thu của 9 tổ chức tín dụng chiếm 61,7% tổng lãi dự thu toàn hệ thống). Như vậy, có hai con số cụ thể: 19 tổ chức tín dụng hiện có lượng nợ xấu tập trung lớn và 9 tổ chức tín dụng có quy mô lãi dư thu lớn (lãi dự thu lớn cũng tiềm ẩn nợ xấu). Về nợ xấu, theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trong báo cáo trên, việc xử lý nợ xấu vẫn chậm do năng lực trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng hạn chế, việc phát mại tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn pháp lý, quá trình tố tụng kéo dài. Còn theo số liệu Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cập nhật gần đây, đến tháng 8/2016, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 2,66%. Cũng theo cập nhật của bà Hồng, trong 8 tháng đầu năm 2016, hệ thống đã xử lý được 58,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu từ thu nợ khách hàng và các tổ chức tín dụng sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý, thực hiện bán tài sản để thu hồi.