Đảm bảo cung ứng điện mùa khô cho khu vực phía Nam: Bài 1-Chủ động ứng phó nguy cơ thiếu điện
Tiêu thụ điện tăng cao
Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, có khả năng xảy ra khô hạn kéo dài trong các tháng mùa khô của năm 2024 tại Nam bộ. Cao điểm mùa khô diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5/2024, nhưng nắng nóng lại xuất hiện khá sớm từ cuối tháng 1/2024, có khả năng kết thúc muộn với thời kỳ nắng nóng kéo dài hơn trung bình nhiều năm.
Công nhân ngành điện kiểm tra, bảo trì để hệ thống lưới điện vận hành an toàn, ổn định trước mùa khô 2024 |
Mặc dù mới bắt đầu bước vào cao điểm mùa khô nhưng tình hình cung cấp điện cho hệ thống tại miền Nam đã rất căng thẳng. Đặc biệt, ngay trong những ngày đầu tháng 4/2024, sản lượng điện tiêu thụ của TP. Hồ Chí Minh liên tiếp tăng cao và đã vượt đỉnh năm 2023 (94,8 triệu kWh ngày 6/5/2023).
Điển hình, ngày 3/4 sản lượng điện tiêu thụ của TP. Hồ Chí Minh vượt mốc đỉnh 95,12 triệu kWh; ngày 5/4 đạt đỉnh 96,89 triệu kWh và ngày 9/4 đạt hơn 97,87 triệu kWh, tăng hơn 3 triệu kWh so với năm 2023. Đây là sản lượng điện tiêu thụ cao nhất từ trước đến nay, chưa có trong lịch sử tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo dự báo, trong tháng 4 và tháng 5/2024 sản lượng tiêu thụ cực đại tại TP. Hồ Chí Minh sẽ đạt có thể từ 99 đến 100 triệu kWh/ngày; công suất cực đại đạt gần 4.900MW. Nguyên do chính là thời tiết nắng nóng gay gắt và kéo dài dẫn đến nhu cầu làm mát tăng cao.
Trước đó, số liệu thống kê của Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng điện thương phẩm của TP. Hồ Chí Minh đạt 6,9 tỷ kWh, tăng 9,2% so với năm 2023. Trong đó, thành phần có tỷ lệ tăng cao là tiêu dùng dân cư tăng 10,68%, thương nghiệp, khách sạn tăng 8,09% và công nghiệp xây dựng tăng 7,29%. Điều này cho thấy kinh tế thành phố đang có bước phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê sản lượng điện tiêu thụ 3 tháng đầu năm của Tổng công ty Điện lực miền Nam (21 tỉnh thành phía Nam) đạt gần 21,75 tỷ kWh, tăng 14,42% so với cùng kỳ 2023. So với cùng kỳ 2023, điện tiêu thụ tăng chủ yếu ở thành phần tiêu dùng, dân cư (tăng 19,3%) và công nghiệp, xây dựng (tăng 12,28%). Nguyên nhân tiêu thụ điện tăng mạnh là do năm nay tình hình thời tiết nắng nóng diễn ra sớm, đồng thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Điểm đáng chú ý là các tỉnh có tỷ trọng công nghiệp, xây dựng cao đã có dấu hiệu hồi phục với mức tăng trưởng điện cao như: Bình Dương tăng 13,2%, Tây Ninh tăng 28,5%, Long An tăng 12,6%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 9%, Đồng Nai tăng 8,2%.
Chủ động ứng phó nguy cơ thiếu điện
Năm nay dự báo thời tiết nắng nóng sẽ đến sớm, nhiệt độ toàn quốc duy trì mức cao đặc biệt ở khu vực phía Nam, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng cao. Dự báo việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 4,5,6,7) sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hệ thống điện miền Bắc. Chính vì vậy, việc đảm bảo cung ứng điện được nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn và trở nên cấp bách.
Công nhân ngành điện miền Nam thực hiện công tác kiểm tra và xử lý các khiếm khuyết trên lưới điện, nhằm cấp điện an toàn, liên tục và ổn định phục vụ cho phát kinh tế - xã hội |
Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng cho biết: Từ cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan chuẩn bị phương án cung cấp điện cho năm 2024 kể cả phương án phụ tải tăng cao.
Đáng chú ý, để không xảy ra tình trạng thiếu điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đã có nhiều chỉ đạo và điều hành để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang khẩn trương triển khai hàng loạt các giải pháp, phương án đảm bảo cấp điện, vận hành an toàn hệ thống. Đồng thời, tăng cường thực hiện các giải pháp tuyên truyền tiết kiệm điện, cũng như chú trọng phối hợp với các địa phương vận động người dân sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Theo đó, để đảm bảo cung cấp điện phục hồi sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã chỉ đạo các đơn vị điện lực 21 tỉnh, thành trực thuộc làm việc với khách hàng thực hiện chương trình điều hòa phụ tải hợp lý; tính toán huy động nguồn diesel của khách hàng khi cần thiết; đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền tiết kiệm điện.
Các kíp trực luôn theo dõi tình hình vận hành lưới điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục cho nhu cầu tiêu thụ điện của TP. Hồ Chí Minh mùa khô năm 2024 |
Cùng với đó, tập trung kiểm tra, rà soát, khắc phục ngay những khiếm khuyết trên lưới điện nếu có; chủ động, sẵn sàng các vật tư, thiết bị dự phòng cần thiết, phải hoàn thành công tác sửa chữa lưới điện phân phối trước 31/3/2024. Đồng thời, hạn chế việc đăng ký sửa chữa các công tác lưới có ảnh hưởng đến cấp điện phụ tải, huy động nguồn trong các tháng cao điểm mùa khô. Ngoài ra, các công ty điện lực trực thuộc xây dựng kế hoạch cung cấp điện trên địa bàn phải theo mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân...
Tương tự, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các công ty Điện lực trực thuộc chuẩn bị thật kỹ các phương án, kịch bản đều hành để đảm bảo cung cấp điện cho người dân và sản xuất kinh doanh trên từng địa bàn cụ thể.
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Để đảm bảo độ tin cậy, sẵn sàng và đồng bộ trong khâu quản lý, vận hành lưới truyền tải và phân phối điện để cung ứng đủ điện cho phục hồi và phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và đời sống nhân dân TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là mùa khô 2024, Tổng công ty đã triển khai thực hiện phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2024 và cả năm 2024.
Cụ thể, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình đầu tư xây dựng; tăng cường công tác đầu tư sửa chữa bảo trì và tự động hóa lưới điện, đảm bảo lưới điện luôn vận hành ổn định và tin cậy; chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung cấp điện trong mọi tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, tổ chức thực hiện diễn tập phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô, trong đó bao gồm: Kết hợp vận hành theo mức phân bổ công suất của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia; chương trình điều chỉnh phụ tải phi thương mại (DR), dịch chuyển phụ tải, sự cố trạm biến áp 220kV...
Cùng với đó, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 6012/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND TP. Hồ Chí Minh về thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân và cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm điện; phối hợp với các khách hàng lớn thực hiện công tác điều chỉnh phụ tải trong các giờ cao điểm khi cần thiết.
Bài 2- Chung tay sử dụng điện tiết kiệm