Đắk Lắk: Xuất khẩu chính ngạch hơn 10 tấn mắc ca đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương và lãnh đạo UBND TP. Buôn Ma Thuột, cùng đại diện các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, Hàn Quốc là thị trường tiềm năng cho các mặt hàng nông sản. Do đó, sự kiện hạt mắc ca được xuất khẩu chính ngạch đầu tiên vào thị trường Hàn Quốc (sau thị trường Nhật Bản) một lần nữa mở ra cơ hội cho loại hạt đặc sản này của tỉnh Đắk Lắk sang các nước châu Á và trên thế giới.
Bên cạnh đó, đơn vị nhập hàng phía Hàn Quốc là một doanh nghiệp tại tỉnh Jeollabuk, là địa phương đã cùng với tỉnh Đắk Lắk thiết lập quan hệ hợp tác từ năm 2017 đến nay, qua đó ngày càng thể hiện tinh thần hợp tác phát triển kinh tế của 2 địa phương.
Các đại biểu tham dự buổi lễ |
Lô mắc ca đầu tiên được trồng tại Đắk Lắk, xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hàn Quốc của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nutri Soil có khối lượng trên 10 tấn. Các sản phẩm đã trải qua nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách đóng gói và truy xuất nguồn gốc,…
Đắk Lắk là địa phương có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với sự phát triển của cây mắc ca, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 4.500 ha trồng mắc ca, sản lượng đạt hơn 1.500 tấn/năm.
Xe container mắc ca Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch đầu tiên vào thị trường Hàn Quốc |
Nhận định nhu cầu sử dụng sản phẩm mắc ca trên thế giới ngày càng gia tăng, vì vậy, dư địa thị trường của mắc ca thế giới còn vô cùng lớn. Do đó, phát triển mắc ca để cung ứng cho thị trường quốc tế là hướng đi đúng đắn.
Theo Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, thì Đắk Lắk đã và đang định hướng xây dựng kế hoạch phát triển bền vững cây mắc ca trong thời gian tới.
Đồng thời, Đắk Lắk tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, nhập nội, khảo nghiệm làm đa dạng bộ giống mắc ca theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích nghi với các tiểu vùng sinh thái. Quản lý và sản xuất giống nhằm cung cấp đủ giống đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ trồng mắc ca.
“Ngoài ra, Đắk Lắk sẽ nghiên cứu xây dựng và chuyển giao quy trình kỹ thuật mắc ca phù hợp điều kiện địa phương; ưu tiên xây dựng quy trình sản xuất mắc ca theo hướng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...), nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm mắc ca chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế” - ông Huỳnh Ngọc Dương chia sẻ.