Đại đức Thích Toàn Chuẩn: Hình ảnh Thượng tọa Thích Chân Quang và Angela Phương Trinh trên mạng là bị cắt ghép
Ngày 18/6, Báo Công Thương đăng tải bài viết “Đệ tử nói gì về Thượng tọa Thích Chân Quang đeo đồng hồ Rolex tiền tỷ?”.
Nội dung bài viết dẫn lời đệ tử của Thượng tọa Thích Chân Quang, chuyên gia nói về tính xác thực của chiếc đồng hồ mà dân mạng đồn thổi vị Thượng tọa đeo là loại Rolex tiền tỷ.
Cùng thời gian này, trên các nền tảng mạng xã hội còn xuất hiện nhiều hình ảnh, clip về Thượng tọa Thích Chân Quang và diễn viên Angela Phương Trinh.
Hàng loạt bình luận liên quan đến các hình ảnh này; thậm chí, có nhiều bình luận ác ý, suy diễn về các hình ảnh ca sĩ Phương Trinh và vị Thượng tọa.
Nhiều hình ảnh, thông tin trên mạng xã hội về Thượng tọa Thích Chân Quang vừa qua gây xôn xao dư luận. |
Trước những hình ảnh, clip và bình luận nói trên, phóng viên Báo Công Thương đã liên lạc với Đại đức Thích Toàn Chuẩn – đệ tử, người thân cận có nhiều năm theo chân học pháp Thượng tọa Thích Chân Quang để tìm hiểu thông tin sự việc.
Đại đức Thích Toàn Chuẩn cho biết: "Nhìn qua, ai cũng biết là hình ảnh cắt ghép, bịa đặt. Những hình ảnh trên đã bị suy diễn, bẻ lái nhằm hạ uy tín người tu sĩ và sư phụ".
Vị Đại đức cho hay: “Một người xuất gia chỉ đơn giản nếu người ta cắt ghép bỏ cái áo, ghép mặt… đã là một sự xúc phạm lớn. Phật giáo có giới luật không được có mối quan hệ với người nữ. Điều này không thể chấp nhận được, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những thông tin trên", Đại đức Thích Toàn Chuẩn nói.
Ca sĩ Angela Phương Trinh |
Theo Đại đức Thích Toàn Chuẩn, nữ cai sĩ, diễn viên Phương Trinh là Phật tử thường xuyên qua chùa lễ Phật theo các nhóm phật tử. "Còn lại, các thông tin và hình ảnh trên mạng ghép với Thượng tọa Thích Chân Quang đều là rất ác ý”, Đại đức cho biết thêm.
Đại đức Thích Toàn Chuẩn cho rằng, việc Thượng tọa Thích Chân Quang bị kỷ luật là liên quan đến thuyết giảng chứ không liên quan đến việc khác.
Đại đức mong muốn, mọi người thật tỉnh táo, có cái nhìn khách quan, đa chiều trước các thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng để tránh bị dẫn dắt kiểu lấp lửng bởi “một nửa sự thật thì không thể là sự thật”.