Thứ sáu 27/12/2024 03:31

Đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới

Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của đại đoàn kết dân tộc, đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển trong kỷ nguyên mới.

Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam khóa X Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của sức mạnh đại đoàn kết-nguồn lực nội sinh đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển trong kỷ nguyên mới.

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam khóa IX phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

“Máu xương của những người con đất Việt đã hòa vào lòng đất mẹ thành những viên gạch bằng vàng, xây dựng nên thành đồng Tổ quốc Việt Nam. Bởi vậy không có thế lực thù địch nào có thể chia rẽ được khối đại đoàn kết của chúng ta.”

Lời khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịchỦy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X Đỗ Văn Chiến tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 đã một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của sức mạnh đại đoàn kết-nguồn lực nội sinh đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển trong kỷ nguyên mới.

Trong nhiệm kỳ Đại hội X, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân, quy tụ và tập hợp các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước đóng góp tích cực vào việc củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết.

Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại

Tinh thần đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha ông dày công xây dựng, vun đắp bằng mồ hôi, xương máu, bằng sự nhọc nhằn hy sinh, bằng ý chí, niềm tin, khát vọng của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân tình, nhân nghĩa.

Diễn ra trong 3 ngày 16-18/10, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thành công tốt đẹp, trở thành biểu tượng sinh động, đẹp đẽ nhất, thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.

Đại hội có sự tham dự của 1.052 đại biểu, đại diện các giai cấp, giai tầng xã hội, dân tộc, tôn giáo, lực lượng vũ trang, người Việt Nam ở nước ngoài. Với tinh thần “Đoàn kết-Dân chủ-Đổi mới-Sáng tạo-Phát triển,” Đại hội đã tín nhiệm, hiệp thương dân chủ cử 397 ủy viên tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 67 ủy viên tham gia Đoàn Chủ tịch; hiệp thương cử Chủ tịch, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký, 2 Phó Chủ tịch chuyên trách và 7 Phó Chủ tịch không chuyên trách.

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam trình bày báo cáo tóm tắt Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X. (Ảnh: TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X. Hai Phó Chủ tịch chuyên trách là ông Hoàng Công Thủy và bà Tô Thị Bích Châu.

Đoàn Chủ tịch Đại hội cũng đánh giá cao và ghi nhận 110 ý kiến tham luận cùng hàng chục ý kiến góp ý bằng văn bản bổ sung trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, toàn diện vào các văn kiện trình Đại hội. Những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của đại biểu đã được Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X chỉ đạo tiếp thu bổ sung những nội dung xác đáng để tổ chức thực hiện.

Bằng sự đồng thuận, thống nhất rất cao, Đại hội đã thông qua Nghị quyết xác định phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ giai đoạn 2024-2029; xác định 10 chỉ tiêu cụ thể, 6 chương trình hành động và giao cho Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện, công bố và tổ chức thực hiện.

Từ diễn đàn của Đại hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi các giai cấp, giai tầng xã hội, các tầng lớp nhân dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo, nhân sỹ trí thức, văn nghệ sỹ, doanh nhân, doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục nêu cao hơn nữa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đóng góp trí tuệ, công sức để không ngừng củng cố, tăng cường truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đồng lòng, chung sức dựng xây đất nước.

Đột phá toàn diện trên các lĩnh vực

Chia sẻ sau thành công của Đại hội về vai trò và phương hướng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ mới, về những nhiệm vụ của hệ thống Mặt trận để góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết đến năm 2030 chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhìn lại 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Đó là sự đột phá về thể chế, đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; đột phá về nguồn nhân lực. Những thành tựu to lớn như vậy đặt đất nước vào vị thế hội tụ đủ các yếu tố để phát triển đất nước giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói: chúng ta sẽ tham gia nhiều hơn vào chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định trong nhiệm kỳ mới là tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng cần thiết đưa ra những chương trình, nội dung có thể phát huy được sức mạnh trong nhân dân, bao gồm cả nhân tài, tiền tài, vật lực và sự đồng thuận của nhân dân; tiếp tục tập hợp, vận động, thuyết phục nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, ủng hộ các chương trình, hoạt động lớn do Đảng, Nhà nước phát động, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029 ra mắt Đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Đáng chú ý, Nghị quyết Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng bổ sung mới chương trình hành động: “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc,” nhằm hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn khu dân cư, phát huy vai trò tự quản và quyền làm chủ của người dân, theo phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho đời sống của nhân dân.”

Đây là chương trình hành động với tư duy hướng mạnh về cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng;” từ đó góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ, làm tốt công tác hòa giải ngay tại cơ sở, phát huy vai trò giám sát của nhân dân tại cộng đồng cũng như vai trò của Ban Công tác Mặt trận và các chi đoàn, chi hội, già làng, trưởng họ, người có tín nhiệm trong đồng bào dân tộc, tôn giáo vận động nhân dân xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, an toàn, ấm no, hạnh phúc. Với chủ trương chăm lo cho dân, bồi dưỡng sức dân, khối đại đoàn kết sẽ không ngừng được củng cố, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước sẽ không ngừng được nhân lên.

Trong thời đại phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số là một nhu cầu quan trọng, tất yếu. Đây cũng là chủ trương, yêu cầu rất quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung triển khai trong nhiệm kỳ 2024-2029.

Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định chuyển đổi số là một trong những nội dung đột phá giúp Mặt trận các cấp tăng cường, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình và sẽ được Ban Thường trực tích cực chỉ đạo trong thời gian tới. Do đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo trong hệ thống Mặt trận, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo về Đề án chuyển đổi số để thực hiện chung với Đề án chuyển đổi số của các ban Đảng, các cơ quan Trung ương.

“Ngay trong Đại hội X, việc chuyển đổi số toàn bộ nội dung tài liệu cho các đại biểu đã được đưa vào ứng dụng, chỉ cần quét mã hoặc truy cập ứng dụng có thể theo dõi được toàn bộ tài liệu,” bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.

Chuyển đổi số cũng là nội dung đã được đề cập trong Nghị quyết, Văn kiện Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến thực hiện mạnh mẽ trong công tác tham mưu chuyên môn, nắm bắt, tập hợp ý kiến của cử tri, của nhân dân trên môi trường mạng, môi trường số. Bên cạnh đó, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sẽ sử dụng rất nhiều ứng dụng chuyển đổi số. Tất cả vì mục tiêu thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới./.

www.vietnamplus.vn
Bài viết cùng chủ đề: đại đoàn kết

Tin cùng chuyên mục

PGS.TS Trần Đình Thiên: Bộ Công Thương tiên phong cải cách hành chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

Bộ Ngoại giao: Bộ Công Thương duy trì xuất khẩu kỷ lục, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP cả nước

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Chống lãng phí, tiết kiệm góp phần tăng sức mạnh quốc gia

Ngành Công Thương về đích năm 2024: Hàng loạt thành tích ấn tượng

Ảnh: Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chống lãng phí phải đi đôi với cải cách thể chế, thông suốt các nguồn lực

Ngành Công Thương chủ động nhận diện điểm nghẽn, hoàn thiện thể chế, tạo đột phá trong chống lãng phí

Bộ Công Thương: Quyết tâm tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo trong chống lãng phí để phát triển bền vững

Chuyên gia, khách mời 'hiến kế' nhiều giải pháp chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024

Đại tá Nguyễn Hữu Sơn chỉ ra 4 giải pháp để phòng, chống lãng phí nguồn lực

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Ngành Công Thương Sơn La đề xuất 5 giải pháp chống lãng phí

Chống lãng phí: Yêu cầu cấp bách để phát triển kinh tế

Gỡ 'nút thắt' trong xây dựng thể chế, pháp luật ngành Công Thương để bước vào kỷ nguyên vươn mình

Đẩy mạnh chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển thương mại nội địa

Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế

Khơi thông thị trường ngoài nước: Chống lãng phí nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu

Hiện thực hóa 4 quy hoạch ngành quốc gia: Khơi thông nguồn lực phát triển đất nước