Đại biểu Quốc hội lo ngại các vụ "giết người do ghen tuông tình ái" gia tăng
Thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 8/11 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2022, nước ta trải qua đại dịch Covid-19 để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, từ đó tội phạm lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 8/11 |
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống dịch, nhất là công tác phòng chống tội phạm trên các lĩnh vực.
Theo đó, đã kéo giảm số phạm tội về trật tự xã hội, tội phạm có tổ chức như trộm cướp tài sản, đánh bạc, hiếp dâm. Tỷ lệ điều tra phá án vượt chỉ tiêu kế hoạch các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đã được các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt và điều tra làm rõ.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp chỉ rõ các vụ án kinh tế, tham nhũng, vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng đã được công an phát hiện, điều tra, xử lý được nhân dân quan tâm.
"Những kết quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của cơ quan công an là rất đáng trân trọng, mang lại nhiều niềm tin của người dân đối với ngành, đặc biệt là công tác phòng chống tội phạm tham nhũng, hối lộ" - đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực giảm là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, có loại tội phạm phát sinh mới như giết người do ghen tuông, tình ái, án mạng trong gia đình, băng nhóm xã hội đen có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là mua bán người, cho vay nặng lãi, sử dụng mạng viễn thông hoạt động phi pháp gây bức xúc trong nhân dân.
Ngoài ra còn có một số tội phạm tuy giảm nhưng hoạt động rất tinh vi hơn trước, tiềm ẩn nguy cơ cho xã hội như ma túy, cướp tài sản, cá độ trên không gian mạng, hiếp dâm, xâm hại trẻ em. Tai nạn giao thông có giảm về số vụ nhưng số người chết, bị thương tăng rất cao, cá biệt xảy ra các vụ cháy, nổ, số người chết tăng đáng kể. Tội phạm buôn lậu xuất nhập khẩu xăng dầu diễn biến rất phức tạp ở các tuyến biên giới….
Từ những phân tích trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt trong thực thi công vụ.
Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là các tầng lớp nhân dân, truyền thông, báo chí trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực.
Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trong việc tham gia phòng chống tội phạm, ý thức thượng tôn pháp luật, nhất là giáo dục nhận thức về pháp luật cho giới trẻ trong nhà trường và ngoài xã hội.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - đoàn Hà Tĩnh cho biết, qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan chức năng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho thấy, năm 2022 tình hình tội phạm vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp.
Một số vụ án có quy mô lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm trên không gian mạng với thủ đoạn mới, tinh vi hơn; tội phạm tham nhũng tăng, tội phạm trong công tác quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, an ninh tiền tệ, tội phạm về ma túy, xâm phạm trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp…
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu khẳng định, kết quả phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án của các cơ quan tố tụng cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Điều đó, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan tư pháp Trung ương rất quyết liệt và có nhiều giải pháp phù hợp trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Kết quả đó cũng cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng và cả cấp Tòa án đã khắc phục cơ bản về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội một cách hiệu quả. Đặc biệt, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đảm bảo các quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng được thực hiện như phiên tòa trực tiếp…
Đại biểu đoàn Hà Tĩnh kiến nghị Quốc hội tiếp tục có cơ chế phân bổ nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trụ sở các Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện, các trại tạm giam các tỉnh, các kho vật chứng của cơ quan thi hành án để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét tăng số lượng thẩm phán, thư ký Tòa án các cấp, đặc biệt là thẩm phán sơ cấp, trung cấp cho cả tòa án; đề nghị Bộ Công an, Tòa án tối cao kịp thời trang bị cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin, phòng xét xử tại điểm cầu Trung tâm Tòa án và điểm cầu thành phần tại các trại tạm giam và các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ của mình.