Đại biểu đề nghị tái cấp vốn cho Vietnam Airlines
Chiều 26.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết: Nếu không chấp nhận cũng sẽ rất khó khăn cho một doanh nghiệp mang tính đầu tàu của Việt Nam như hiện nay và là hình ảnh quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương |
Đại biểu nhấn mạnh: Nếu chúng ta không chấp nhận để tái cấp vốn, phần bảo lãnh của Chính phủ là 330 triệu USD cho Vietnam Airlinescó thể sẽ bị các nhà tài trợ, các bên cho vay khác đòi. Đây là việc vừa mất tính thanh khoản Vietnam Airlines và cũng là hình ảnh của quốc gia, cho nên theo tôi đồng ý nên tái cấp vốn cho Vietnam Airlines với 4.000 tỷ đồng đợt này.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nên yêu cầu Vietnam Airlines có một kế hoạch về việc sẽ tái cấu trúc như nào, để đảm bảo 5 năm tới không phải đề nghị Quốc hội xin tái cấp vốn một lần nữa.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, doanh thu của Vietnam Airlines trong những năm qua giảm nghiêm trọng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân |
Đại biểu này đưa ra dẫn chứng năm 2020 lỗ 8.743 tỉ đồng. Trước tình hình này, Vietnam Airlines có khả năng mất thanh khoản.
Năm 2021 Vietnam Airlines tiếp tục lỗ nặng trên 11.800 tỉ đồng. Đến năm 2022, mặc dù kế hoạch đưa ra lỗ khoảng 35 tỉ đồng nhưng cuối cùng lỗ 8.841 tỉ đồng.
Tiếp đến, năm 2023, mặc dù kế hoạch dự kiến lãi nhưng một lần nữa lại lỗ 4.789 tỉ. Thông qua 4 năm, Vietnam Airlines đã lỗ hơn 34.000 tỉ đồng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói, nếu không cho Vietnam Airlines gia hạn nợ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh khoản, đến duy trì hoạt động kinh doanh, thậm chí là phá sản.
"Để bảo vệ thương hiệu quốc gia và đặc biệt là vốn nhà nước tại Vietnam Airlines, tôi tiếp tục đề nghị Quốc hội cho gia hạn nợ không quá 3 lần trong 5 năm" - đại biểu này nêu rõ.
Ngoài ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, để có giải pháp căn cơ để đảm bảo phát triển bền vững cho Vietnam Airlines trong thời gian tới, cần tái cơ cấu lại nợ, trong đó giảm nợ ngắn hạn bằng cách tạo điều kiện cho Vietnam Airlines tăng vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu. Đồng thời, tạo điều kiện cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thay thế cho nguồn vốn ngắn hạn hiện nay.