Theo đó, đoàn Famtrip lần này gồm đại diện các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, phóng viên báo chí tổ chức đi khảo sát thực tế các điểm đến, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Với mục đích khảo sát thực tế các điểm đến, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Đà Nẵng để xây dựng hình thành các sản phẩm du lịch, tour tuyến du lịch mới phục vụ du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan thành phố, giúp du khách hiểu hơn về giá trị lịch sử văn hóa thành phố Đà Nẵng.
Đoàn khảo sát tới các địa điểm văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Đà Nẵng |
Các điểm khảo sát của đoàn lần này gồm: Cột chỉ tên đường cổ nhất tại Đà Nẵng; Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải; Bảo tàng Đà Nẵng; Đình làng Hải Châu và Nhà trưng Bày Hoàng Sa. Theo ông Huỳnh Đức Trung-Trưởng phòng Quản lý lữ hành-Sở Du lịch Đà Nẵng, trong chuyến khảo sát này, điểm nhấn đáng chú ý để các đơn vị lữ hành đưa vào tour là Cột chỉ tên đường cổ nhất tại Đà Nẵng, có giá trị lịch sử gần 100 năm, Đình làng Hải Châu và Nhà trưng bày Hoàng Sa. Đối với Nhà trưng bày Hoàng Sa - là một thiết chế văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa chính trị đặc biệt. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu và tuyên truyền cho đông đảo nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Sau chuyến khảo sát, Sở Du lịch sẽ đề nghị các đơn vị lữ hành nghiên cứu thiết kế đưa vào chương trình tham quan du lịch phục vụ du khách thời gian đến, góp phần nâng cao giá trị của di tích lịch sử trong hoạt động du lịch. Ngoài ra, vào tháng 8/2018, Sở Du lịch đã tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch huyện Hòa Vang và đang triển khai nghiên cứu để hình thành sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng tại huyện Hòa Vang- ông Trung cho biết.