Đà Nẵng: Thành Điện Hải - biểu tượng bất diệt về tinh thần yêu nước
165 năm sau cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858, Thành Điện Hải vẫn sừng sững như một tượng đài, một biểu tượng bất diệt về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí chiến đấu ngoan cường của người dân Đà nẵng trước cuộc chiến xâm lược của đế quốc, thực dân.
Toàn cảnh Thành Điện Hải |
Từ cuộc chiến ngoan cường
Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, được xây dựng vào năm 1813 (năm Gia Long thứ 12), gần phía biển để kiểm soát tàu thuyền ra vào và trấn giữ Đà Nẵng. Năm 1823 (năm Minh Mạng thứ 4), đồn được dời vào trong (nơi di tích Thành Điện Hải hiện tại) và được thiết kế kiểu thành Vauban châu Âu có chu vi 139 trượng (556m), chung quanh có hào sâu 7 thước, cao 1 trượng 2 thước (gần 5m), có 2 cửa: Một cửa hướng về phía Đông (nhìn xuống sông Hàn) và một cửa hướng về phía Nam (cửa chính). Trong thành có hành cung, kỳ đài, nơi trữ lương thực, kho vũ khí. Thành hình vuông có 4 góc lồi, trang bị được 30 súng đại bác cỡ lớn. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, thời kỳ này, Thành Điện Hải là một trong những công trình phòng thủ quan trọng nhất ở Đà Nẵng.
Chiều tối 31/8/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha do Phó Đô đốc Hải quân Charles Rigault de Renouilly mang theo gần 2.000 binh lính, sĩ quan đã tập kết trước biển Đà Nẵng. Khi nổ súng tấn công Đà Nẵng, liên quân Pháp và Tây Ban Nha cho rằng đây là một mục tiêu dễ dàng, vì thế họ thực hiện chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, thực tế ngược lại hoàn toàn với những suy đoán của đội quân xâm lược.
Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng và quân đội triều đình nhà Nguyễn, cùng với sự lãnh đạo tài tình của các vị tướng Đào Trí, Lê Đình Lý và đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, liên quân Pháp và Tây Ban Nha đã bị sa lầy trong cuộc chiến này. Trong đó, Thành Điện Hải chính là biểu tượng của tinh thần tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu ngoan cường của quân và dân Đà Nẵng trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858.
Đến di tích quốc gia đặc biệt
Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng - ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Thành Điện Hải mang trên mình một câu chuyện lịch sử quan trọng, câu chuyện nối tiếp chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa cách mạng, chủ nghĩa yêu nước từ nghìn năm đô hộ giặc tàu, rồi đến chống Pháp, người dân Việt không chịu khuất phục bởi bất kỳ một kẻ thù xâm lược nào.
Là người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về cuộc chiến tranh 1858, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP. Đà Nẵng cho rằng, trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858, chính lòng quả cảm với đức hi sinh khi người dân Đà Nẵng phải tự tay mình châm lửa đốt nhà để thực hiện “tiêu thổ kháng chiến” đã tạo nên sức mạnh chống lại thế lực phương Tây mạnh hơn mình nhiều lần, làm nên chiến thắng đầu tiên và duy nhất từ khi khởi sự chiến tranh cho đến khi người Pháp hoàn toàn áp đặt nền cai trị trên toàn bộ lãnh thổ nước ta cũng như toàn cõi Đông Dương. “Chưa có cuộc nào thắng lợi, chỉ có trận này mới thắng!”, Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng nói.
Năm 2017, di tích lịch sử Thành Điện Hải được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, một phần thành Điện Hải đã bị hư hại, cửa thành phía Nam đã mất, phía Bắc bị hư hại. Cũng trong thời gian này, TP. Đà Nẵng đã quyết định dành hơn 100 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo và phục hồi thành Điện Hải. Năm 2022, TP. Đà Nẵng tiếp tục quyết định chi hơn 84 tỷ đồng để tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2). Trong đó có những hạng mục quan trọng như phục dựng cổng thành phía Đông; phục dựng Kỳ đài, nhà để súng thần công, kho vũ khí; xây dựng bảo tàng sự kiện 1858…
165 năm đã đi qua, tuy nhiên, Thành Điện Hải vẫn như một chứng nhân lịch sử minh chứng cho tinh thần yêu nước quật cường của người dân Quảng Nam – Đà Nẵng. Nơi đây cũng trở thành điểm đến để nhớ lại quá khứ hào hùng của nhân dân ta, và là nơi hun đúc tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người Đà Nẵng.