Bán đúng giá niêm yết giúp giữ chân du khách
Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hầu hết các nhà hàng, quán ăn hay cơ sở lưu trú, trung tâm mua sắm, điểm bán đặc sản… tại TP. Đà Nẵng đã trở lại hoạt động và đón rất nhiều du khách đến vui chơi, tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Việc minh bạch giá cả hàng hóa và niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết là một trong những yếu tố cơ bản trong việc thu hút và giữ chân du khách khi đến du lịch tại địa phương. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh du lịch TP. Đà Nẵng đang dần phục hồi và đẩy mạnh phát triển, quảng bá.
Niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết sẽ giúp du lịch TP. Đà Nẵng giữ chân du khách |
Thời gian qua, nhiều thông tin trên mạng xã hội phản ánh các cơ sở cung cấp sản phẩm du lịch có dấu hiệu “nâng giá”, “khống giá” gây ảnh hưởng tới hình ảnh của địa phương, nhiều lượt bình luận lo ngại về vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới việc phục hồi và phát triển du lịch của thành phố. Có thể thấy, trong bối cảnh thông tin nhanh nhạy như hiện nay, khi du lịch đã mở cửa toàn diện thì việc giữ gìn hình ảnh điểm đến an toàn, môi trường văn minh, lịch sự, không làm mất lòng du khách cần phải được chú trọng hơn.
Theo ông Võ Huỳnh Thanh Sơn, quản lý nhà hàng đặc sản Quê Xưa, việc công khai minh bạch và giữ bình ổn giá sẽ tạo nên sự thoải mái và dễ chịu cho khách hàng khi trải nghiệm và thưởng thức sản phẩm, dịch vụ du lịch. Đồng thời kích cầu du lịch, tăng cung - cầu sản phẩm, giữ chân du khách và khiến khách du lịch dễ quay lại với thành phố hơn.
“Khi du khách cảm thấy yêu mến Đà Nẵng và trở lại với thành phố nhiều hơn, khiến du lịch ngày càng phát triển, từ đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm và giúp kinh tế cũng như đời sống người dân được tốt hơn”, ông Sơn nhìn nhận.
Từ lâu, thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn chưa quan tâm nhiều đến hóa đơn trong lúc mua sắm, dẫn đến nhiều nơi đã lợi dụng để tăng giá dịch vụ, tính thêm tiền mà không xuất hóa đơn nhằm trục lợi. Vì vậy, việc giá cả từng sản phẩm được niêm yết và công khai minh bạch sẽ xây dựng văn hóa du lịch “trong sạch”, giúp du khách dễ dàng lựa chọn cũng như mang tâm lý thoải mái khi trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Nhựt, tổng quản lý hệ thống trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đà cho biết, với tư cách là một hệ thống trung tâm mua sắm đặc sản lớn trên toàn quốc, việc giữ công khai minh bạch giá cả và bình ổn giá luôn được chú trọng. Điều này giúp du khách khi tham quan du lịch sẽ có điểm đến uy tín để mua sắm những loại đặc sản địa phương với giá cả hợp lý, giúp du lịch địa phương ngày càng phát triển.
“Chúng tôi luôn minh bạch về giá nhằm tạo dựng uy tín cho thương hiệu cũng như thành phố, từ đó giúp chúng tôi có thể ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, xây dựng được nhiều trung tâm mua sắm đặc sản tại nhiều tỉnh thành hơn”, ông Nhựt chia sẻ.
Tăng cường công tác kiểm tra về vấn đề niêm yết giá
Mới đây, một nhà hàng tại Đà Nẵng đã khiến dư luận xôn xao với hóa đơn thanh toán cho hai tô phở có giá tới 590.000 đồng. Nhiều du khách cho rằng, mức giá này là quá cao, có dấu hiệu “chặt chém”, gây ảnh hưởng tới tâm lý của du khách và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh “du lịch thân thiện” của địa phương.
Các nhà hàng, quán ăn cần bán đúng giá niêm yết để giữ gìn hình ảnh du lịch của địa phương |
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng Cao Trí Dũng, những trường hợp ‘con sâu làm rầu nồi canh’ ngày càng phải hạn chế và xử lý, và những trường hợp này chỉ là trường hợp đơn lẻ, không thể khái quát được tổng thể điểm đến du lịch Đà Nẵng.
“Đà Nẵng là điểm du lịch an toàn, mến khách, và chúng ta đã tạo được ấn tượng “5 không 3 có” ấy trong lòng du khách từ rất lâu rồi. Đồng thời chúng ta phải truyền thông được bản chất rằng môi trường du lịch TP. Đà Nẵng ít nơi nào có được”, ông Dũng cho biết.
Hiện Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đang đẩy mạnh việc phối hợp các đơn vị liên quan nhằm tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết tại các cơ sở cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch và xử lý nghiêm nếu phát hiện trường hợp vi phạm. Đồng thời, các cơ quan, ban ngành chức năng cũng lưu ý các nhà hàng, quán ăn cần đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn hình ảnh du lịch địa phương.
25 năm qua, TP. Đà Nẵng đã và đang triển khai hàng loạt những chính sách nhân văn, tạo nên thương hiệu “Đà Nẵng - thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm. Cụ thể là chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an” gồm: “Không có hộ đói, không có học sinh bỏ học, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không có giết người cướp của”; “Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị” và “An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội”. |