Đã có 6 người tử vong do sốt xuất huyết
6 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tập trung tại Bình Dương (3), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1).
Sốt xuất huyết thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào tháng 7, 8, 9, 10 |
So với số ca mắc cùng kỳ năm 2021 thì có giảm nhẹ, tuy nhiên số ca tử vong lại tăng 1 trường hợp. Bộ Y tế dự báo, thời gian tới số mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (15/6/2022); triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch và phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Ngành y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quả tải bệnh viện.
Theo Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành phổ biến ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào tháng 7, 8, 9, 10.
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh; thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.
Biểu hiện của bệnh: Thể bệnh nhẹ thường sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể có nổi mẩn, phát ban.
Thể bệnh nặng, bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu như: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.