CôngThương - Công nghiệp phát triển nhanh và toàn diện
“Năm 2011, dù gặp nhiều khó khăn, song nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị- kinh tế- xã hội của Lào Cai kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức cao và đạt kết quả toàn diện, nhất là lĩnh vực công nghiệp đã đạt bước tiến lớn.”- ông Nguyễn Văn Vịnh- Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2010. Cơ cấu sản xuất công nghiệp có sự chuyển dịch mạnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến (tăng 6,7%) và giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác (giảm 5,6%).
Lào Cai là địa phương có thể mạnh về khoáng sản, đây là động lực để phát triển công nghiệp. Thời gian qua, Lào Cai đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này. Nhờ đó, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp trọng điểm liên tục tăng trưởng trong năm qua. Như quặng apatít đạt 2,52 triệu tấn; tinh quặng đồng 44.000 tấn; quặng sắt 1,137 triệu tấn; supe lân 78.000 tấn; phân NPK 14.500 tấn; điện thương phẩm 693 triệu kWh, gỗ xẻ 19.200m3, chè khô 2.300 tấn....
Bộ trưởng thăm dự án Nhà máy gang thép Lào Cai
Hoạt động đầu tư xây dựng và thu hút các DN vào hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp cũng được lãnh đạo Lào Cai hết sức quan tâm. Hiện nay, Lào Cai có 3 khu, cụm công nghiệp là Tằng Loỏng, Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải với 127 dự án đầu tư đang triển khai thực hiện, tổng vốn đầu tư đạt trên 15.000 tỷ đồng. Riêng năm 2011, tổng vốn đầu tư đạt 1.610 tỷ đồng “Năm 2011, sản xuất của các DN trong các khu, cụm công nghiệp tăng trưởng cao, doanh thu đạt trên 8.200 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 1.100 tỷ đồng, bằng 45% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh”- ông Nguyễn Văn Vịnh cho biết.
Bên cạnh đó, phát triển khu kinh tế cửa khẩu cũng có bước tiến lớn, đặc biệt là ở khu vực cửa khẩu quốc tế. Hiện tại khu vực này, nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào vận hành và có 155 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 6.866 tỷ đồng. Trong đó có 17 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 53,3 triệu USD và 138 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 5.800 tỷ đồng. Riêng khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có 1.930 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, đầu tư xây dựng khu kinh tế cửa khẩu và thực hiện cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để thu hút các DN đầu tư đã giúp khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã trở thành động lực phát triển kinh tế và làm tốt vai trò cầu nối trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng.
Những đề xuất cho phát triển
Tuy đạt được những kết quả khả quan trong phát triển công nghiệp, nhưng vì vẫn là tỉnh khó khăn nên nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng của Lào Cai còn thiếu và yếu. Hiện nay, hệ thống truyền tải điện vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, nhất là cửa khẩu Quốc tế Lào Cai tại điểm thông quan cầu Kim Thành qua sông Hồng chưa được đầu tư để đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu phát triển giao thương. Hạ tầng các KCN chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là hạ tầng về môi trường...
Chính vì vậy, để hoàn thành các mục tiêu phát triển, nhất là lĩnh vực công nghiệp trong thời gian tới theo định hướng “Lấy phát triển công nghiệp là đột phá”, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã nêu một số kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Công thương: Lào Cai mong muốn lãnh đạo Bộ Công Thương định hướng và chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nhà nước thuộc Bộ Công Thương- các đơn vịhiện đang triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn Lào Cai- sớm triển khai thực hiện phù hợp với lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong đó, Tổng công ty Thép Việt Nam khẩn trưởng đầu tư xây dựng tuyến đường chuyên dụng để vận chuyển quặng sắt từ mỏ sắt Quý Xa đến Nhà máy gang thép Lào Cai tại xã Tằng Loỏng.
...và tại Công ty Luyện đồng Lào Cai (Tổng công ty Khoáng sản- Vinacomim)
Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam bố trí vốn và thực hiện các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, cụ thể là dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy luyện đồng Lào Cai; Nhà máy gang thép Bản Qua, huyện Bát Xát; khai thác, tuyển, luyện quặng vàng gốc Minh Lương; khai thác quặng sắt Làng Vinh, Làng Cọ; khai thác và tuyển quặng đồng Tả Phời; thu hồi pyrit, đất hiếm trong khâu đuôi thải Nhà máy tuyển đồng Sin Quyền....
Với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đề nghị sớm triển khai thực hiện và đưa vào vận hành các dự án đầu tư phục vụ truyền tải điện và cung cấp điện như: trạm 220kV- 2x125MVA Bảo Thắng và đường dây 220kV mạch kép Bảo Thắng- Yên Bái; trạm biến áp 110kV Văn Bàn và đường dây 110kV mạch kép Tằng Loỏng- Văn Bàn- Than Uyên; Trạm cắt 110kV- Lào Cai 2 đưa vào khai thác sử dụng để kịp phục vụ đấu nối các nhà máy thủy điện trong khu vực huyện Bát Xát. Lào Cai cũng kiến nghị EVN cải tạo, nâng cấp 9,5 km đường dây 110kV Hà Khẩu- Trạm 110kV Lào Cai để phục vụ cho đấu nối các nhà máy thủy điện khu vực huyện Bát Xát; đầu tư cải tạo nâng cấp 16 km (mạch kép) để kịp phụ vụ Nhà máy gang thép Lào Cai tại KCN Tằng Loỏng trong quý 3/2012 đưa vào chạy thử.
Với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Lào Cai mong muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án sản xuất DAP số 2; dự án thăm dò, khai thác, chế biến quặng apatit; dự án tuyển quặng apatit loại II.
Lào Cai cũng đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép Lào Cai triển khai thực hiện điểm Đề án xây dựng khu hợp tác kinh tế biên giới.
Hiện nay Lào Cai đang phối hợp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để vận hành chính thức cửa khẩu Kim Thành. Để đáp ứng tốc độ phát triển ngày càng nhanh, Lào Cai đề nghị Trung ương cho phép trong giai đoạn 2012- 2015 được mở rộng quy hoạch khu thương mại công nghiệp Kim Thành từ 152ha lên 400ha; đồng thời có cơ chế để lại nguồn thu cho tỉnh giai đoạn 2015- 2020 và tăng mức vốn có mục tiêu hàng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế cửa khẩu.
Cùng Lào Cai gỡ khó!
Đánh giá trong chuyến công tác, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu: “Trong chuyến công tác lần này tại Lao Cai, tôi vui mừng nhận thấy tình hình kinh tế- xã hội, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp của địa phương đã có chuyển biến nhanh, mạnh. Những kết quả này một lần nữa khẳng định tiềm năng, thế mạnh về địa kinh tế của tỉnh. Đồng thời, cũng cho thấy tính năng động, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội của lãnh đạo địa phương”.
Kiểm tra các dự án công nghiệp tại xã Tằng Loỏng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ: Tôi hài lòng về tiến độ triển khai và tin tưởng khi đi vào hoạt động các dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế- xã hội nói chung, lĩnh vực công nghiệp nói riêng của Lào Cai. |
Về những đề xuất, kiến nghị của Lào Cai, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Lào Cai nêu ra mang tính nhất quán, phù hợp với tình hình thực tế trong hoạt động công nghiệp trên địa bản tỉnh. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương ủng hộ và sẵn sàng cùng địa phương tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đi vào từng vấn đề cụ thể, Bộ trưởng chỉ đạo, trên địa bản tỉnh, nhất là tại khu công nghiệp Tằng Loỏng- tập trung nhiều dự án trọng điểm thuộc ngành Công Thương (Nhà máy luyện đồng; Nhà máy gang thép, Nhà máy DAP...), các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương cần tập trung nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ. “Công tác phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đầu tư xây dựng các nhà máy và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động... là trách nhiệm của các tập đoàn, tổng công ty” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng lưu ý, Lào Cai cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Theo Bộ trưởng, trong khi tốc độ công nghiệp hóa, nhiều dự án có hàm lượng công nghệ cao, hệ thống thiết bị tiên tiến thì hệ thống đào tạo trên địa bàn chưa đáp ứng kịp nhu cầu.
“Chúng tôi ủng hộ kiến nghị của tỉnh mong Bộ Công Thương xem xét trình Chính phủ chấp thuận cho Lào Cai thực hiện để án thí điểm thực hiện khu kinh tế của khẩu và khu hợp tác kinh tế biên giới ”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết quan điểm.
Đối với kiến nghị hỗ trợ đầu tư khu kinh tế cửa khẩu, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đang nghiên cứu tìm cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư thích hợp nhất để các địa phương phát triển khu kinh tế cửa khẩu. Bộ Công Thương sẽ tiếp thu ý kiến kiến nghị của Lào Cai và các địa phương có cửa khẩu và cùng với các bộ, ngành đề xuất với Chính phủ.