Nhận diện nhiều thủ đoạn tinh vi
Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội của vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc bộ, quy mô thị trường tương đối lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra sôi động, hàng hóa đa dạng với nhiều chủng loại, mẫu mã không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng xã hội trong tỉnh mà từ đây hàng hóa được phân phối đi nhiều tỉnh thành khác trong khu vực.
Để kiểm soát thị trường, Cục QLTT tỉnh tập trung kiểm tra những mặt hàng trọng điểm là thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, gas, quần áo, giày dép… Ông Chu Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục QLTT Thái Nguyên - cho biết: “Hiện nay, các đối tượng vi phạm thường đưa hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm, hàng nhập lậu ra thị trường tiêu thụ với những phương thức, thủ đoạn tinh vi. Cụ thể, các đối tượng bán hàng qua mạng xã hội, chuyển phát nhanh, dùng hoá đơn chứng từ thu mua hàng hóa của cư dân biên giới, vận chuyển hàng hóa vào ngày lễ, ngày nghỉ và ngoài giờ hành chính để đối phó với các lực lượng chức năng... Điều này gây khó khăn không nhỏ cho các lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý vi phạm”.
![]() |
QLTT Thái Nguyên kiểm tra tại một cửa hàng kinh doanh túi xách trên địa bàn |
Bên cạnh các phương thức kinh doanh truyền thống, hiện nay hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) thông qua các website thương mại, ứng dụng TMĐT hay hình thức kinh doanh online, live stream bán hàng qua trang cá nhân như Facebook, Zalo... diễn ra nở rộ và có chiều hướng phức tạp. Do chưa có quy định cụ thể, rõ ràng trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này, nên còn nhiều lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng TMĐT kinh doanh trái pháp luật, khiến việc kiểm tra, xử lý của lực lượng QLTT gặp nhiều khó khăn - ông Khánh thông tin.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trước thực trạng trên, Cục QLTT Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 272 ngày 05/11/2019 Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến hết năm 2020. Theo đó, Cục QLTT tỉnh rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động TMĐT của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn; kịp thời phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng lợi dụng các website, ứng dụng TMĐT để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tiến hành xác minh, thu thập thông tin và thực hiện thanh tra, kiểm tra làm rõ các vụ việc vi phạm phức tạp, nổi cộm đối với các đường dây, ổ nhóm lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tập trung vào các mặt hàng trọng điểm.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TMĐT là một trong những hoạt động quan trọng, ông Khánh cho biết: “Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ phổ biến sâu rộng hơn nữa tới các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT để nâng cao nhận thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật của chủ sở hữu các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT nhằm tăng cường công tác phối hợp, quản lý giám sát giữa cơ quan quản lý và các chủ thể hoạt động TMĐT”.
Đồng thời, cung cấp thông tin, cảnh báo tới người tiêu dùng để chủ động phòng tránh các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT. Tạo sức lan tỏa trong nhân dân để không tiếp tay, chủ động tham gia tố giác các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật. Ngoài ra, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng TMĐT để buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Trước những hình thức hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp hơn trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ của các đối tượng, ông Khánh cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật ban hành chưa đồng bộ, còn chồng chéo, một số nghị định ban hành có hiệu lực nhưng chưa có thông tư hướng dẫn, gây rất nhiều khó khăn cho việc thực thi công vụ, áp dụng pháp luật của các lực lượng QLTT.
Bên cạnh đó, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm vừa thiếu vừa lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao... Chi phí giám định hàng hoá vi phạm về sở hữu trí tuệ cao, cơ quan giám định về sở hữu trí tuệ chưa đáp ứng kịp thời cho các lực lượng thực thi, nhất là đối với hàng hoá do nước ngoài sản xuất; nguồn kinh phí được cấp còn hạn chế; chưa có kho chuyên dụng để bảo quản tang vật, phương tiện chờ xử lý vi phạm, nhất là đối với các loại tang vật là hàng hóa dễ cháy nổ, thuốc bảo vệ thực vật, hàng mau hỏng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tác động xấu đến môi trường...
Trong năm 2019, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên thực hiện kiểm tra, xử lý tổng số vụ vi phạm là 1.351 vụ; tổng số tiền xử phạt hành chính, bán hàng tịch thu, giá trị hàng tiêu huỷ là 4.373.246.550 đồng so với năm 2018 là 4.762.027.000 đồng, giảm 8,16%. Trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng số vụ QLTT xử lý: 596 vụ; tổng số tiền xử phạt hành chính, bán hàng tịch thu, giá trị hàng tiêu huỷ là 3.820.853.408 đồng, bằng 66,86% so với cùng kỳ năm 2019. |