Thứ ba 05/11/2024 14:25

“Cú huých” để hàng Việt vươn ra biển lớn

Với 13 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan, tạo sức bật để hàng Việt vươn xa.

Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó 13 FTA đã có hiệu lực và 3 FTA đang đàm phán.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, mỗi FTA có tác động khác nhau đến thương mại Việt Nam. Việc ký kết và tham gia các FTA có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước.

Đối với 11 FTA truyền thống, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA là 123,11 tỷ USD; trước đó, năm 2004, khi Việt Nam có 2 đối tác FTA, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 7 tỷ USD. Với 2 FTA thế hệ mới (Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 và FTA Việt Nam - EU ngày 1/8/2020), cũng đã có những “trái ngọt” ban đầu. Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), sau khi CPTPP có hiệu lực, năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP 1,6 tỷ USD, trong khi năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ các nước này 0,9 tỷ USD. Xét về thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam về cơ bản sang các thành viên đã thực thi CPTPP có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường mới như Canada và Mexico ghi nhận mức tăng mạnh ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 29,9 còn Mexico tăng 27,6%.

Xuất khẩu sang thị trường EU tăng trưởng tích cực nhờ Hiệp định EVFTA

Còn với EVFTA, sau hơn 2 tháng có hiệu lực, các cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU đã bắt đầu được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích đầu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều mặt hàng xuất sang thị trường này đã tăng mạnh cả kim ngạch và giá thành. Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến ngày 12/10, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho trên 660 lô hàng với trị giá khoảng 2 triệu USD. Hiện các mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định là nông sản, sau 1 tháng triển khai cho thấy kim ngạch và giá thành nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU tăng mạnh. Cụ thể, trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU đạt 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước; xuất khẩu thủy sản cũng ước tính tăng 10% so với tháng 7/2020.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) - cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt nhịp và tận dụng được lợi ích từ EVFTA. Kết quả thực thi EVFTA trong hơn 2 tháng qua được xem là chỉ dấu cho các doanh nghiệp nhìn vào đó để tự tin hơn, triển khai tận dụng các cam kết trong FTA này hiệu quả hơn.

EU là thị trường lớn thứ 2 thế giới, hàng năm, nhập khẩu khoảng 2.338 tỷ USD, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở EU khoảng 2% và chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Theo Bộ Công Thương, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có trong tay lợi thế lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.

Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này, đưa hàng Việt vươn xa, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa để củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với đó, cần có tầm nhìn lâu dài và xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu…

Bộ Công Thương đã triển khai 24 thủ tục hành chính cấp độ 3, đồng thời áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để hỗ trợ tối đa doanh nghiệp xuất khẩu. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, giảm bớt thời gian chờ đợi… đưa hàng Việt xuất ngoại một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Thu Phương
Bài viết cùng chủ đề: Hàng Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Sơn La hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

Hải Dương: 4 doanh nghiệp liên tục được vinh danh Thương hiệu quốc gia

Thương mại hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế 10 tháng

Danh sách doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024

Tìm giải pháp tăng cường xuất khẩu điện tử đi châu Âu, châu Mỹ

Sẽ chặn Temu bằng biện pháp kỹ thuật nếu quá hạn vẫn không đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương

Cảnh báo sớm: Doanh nghiệp không còn bị động trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại

Kim ngạch xuất nhập khẩu gần chạm mốc 650 tỷ USD, thặng dư 23,31 tỷ USD

Điểm tên 5 khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang đối mặt

Hà Nội nhân rộng mô hình 'Chợ thông minh 4.0 - không dùng tiền mặt'

Phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ - Bài 1: Lúng túng trong triển khai

Xuất khẩu gừng, nghệ và gia vị khác giảm 28,3% về lượng, tăng 9,9% về kim ngạch

Nhập khẩu đậu tương từ Campuchia tăng gần 8 lần

Tránh bị điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá

Hải Phòng: Thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp

Thuế xuất nhập khẩu phân bón, thuốc lá thay đổi ra sao từ 16/12/2024?

Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng cường giao thương Việt Nam - Trung Quốc

Cục Phòng vệ thương mại tiếp nhận đề nghị miễn trừ chống bán phá giá thép hợp kim trước ngày 1/12

Brazil, Indonesia và Campuchia là 3 nguồn cung hồ tiêu chính của Việt Nam