CPI dần được kiểm soát
Cụ thể, CPI tháng 7/2020 tăng 0,4% so với tháng trước, theo số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố. Mức tăng này là do giá xăng dầu trong nước biến động tăng theo giá xăng dầu thế giới và nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng kéo dài.
CPI đang dần được kiểm soát |
Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm giao thông tăng nhiều nhất với 3,91%, chủ yếu do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 27/6/2020. Việc tăng giá xăng dầu này làm CPI chung tăng 0,37%.
Cùng trong nhóm tăng, là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục…
Mặc dù vậy, CPI tháng 7/2020 vẫn giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước, nếu so với chỉ số này của 6 tháng đầu năm thì mức tăng đã giảm dần, cụ thể, 6 tháng đầu năm CPI tăng 4,19% so với cùng kỳ 2019.
Sau khi tăng khá mạnh trong nửa đầu năm, CPI đang có dấu hiệu tăng chậm lại và dư địa để đạt được mục tiêu CPI tăng dưới 4% cho cả năm nay theo yêu cầu của Quốc hội có thể đạt được. Theo phân tích của PGS.TS. Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), một số yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI những tháng cuối năm là tình hình dịch bệnh Covid-19; chiến tranh thương mại; xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục được ngay và làm cho giá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, cung - cầu thịt lợn ở Việt Nam những tháng cuối năm 2020 được dự báo sẽ bớt căng thẳng, giá thịt lợn dần hạ nhiệt. Đặc biệt, cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bình ổn giá thị trường, điều hành chính sách tiền tệ, kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra. Đây chính là yếu tố tích cực để ổn định CPI.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, xăng dầu vẫn là một ẩn số cần đặc biệt lưu ý từ nay đến cuối năm, bởi tình hình địa chính trị trên thế giới vẫn còn phức tạp, dự báo sẽ tiếp tục tác động lên giá xăng dầu. Do đó, cần sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu linh hoạt, hài hòa..., chia sẻ áp lực tăng giá nhiên liệu, nhằm mục tiêu bình ổn giá xăng dầu thị trường nội địa. Hơn nữa, cần tận dụng hết năng lực lọc dầu trong nước để bổ sung tối đa cho nguồn cung.