Covid-19 khiến người bị nhiễm HIV khó tiếp cận với dịch vụ chăm sóc
Theo đó, khoảng 90% người sống chung với HIV (PLHIV) và 45% người có nguy cơ nhiễm HIV cho biết họ lo lắng về khả năng tiếp cận dài hạn thuốc dự phòng và kháng thuốc do đại dịch đang diễn ra. Tại Việt Nam, với khoảng 213.000 người PLHIV và trung bình 11.000 ca nhiễm HIV trong năm 2019, gián đoạn trong điều trị và chăm sóc dự phòng có thể dẫn tới gia tăng số ca nhiễm HIV.
Từ kết quả cuộc khảo sát, các chuyên gia kết luận, Covid-19 đã gây ra sự sụt giảm đáng kể về tần suất tới các cơ sở y tế công cộng ở nhóm người có nguy cơ nhiễm HIV trong đại dịch Covid-19. Với tình hình nhiều quốc gia ban hành chỉ thị về phòng chống và kiểm soát Covid-19 đồng thời triển khai nhiều biện pháp cách ly xã hội, 80% đơn vị đánh giá, kê đơn HIV cho biết tần suất khám bệnh tại cơ sở y tế công cộng của người có nguy cơ đã giảm, và 60% phản hồi cho thấy có sự tụt giảm trong tần suất khám bệnh của người PLHIV.
Mặt khác, Covid-19 cũng đã có tác động đáng kể tới xét nghiệm HIV đặc biệt tới nhóm người có nguy cơ nhiễm HIV. Kết quả khảo sát cho thấy 42% số người PLHIV và 43% số người có nguy cơ giảm tần suất thực hiện các xét nghiệm liên quan đến HIV. Nhóm PLHIV cho biết yếu tố chính là theo khuyến cáo của bác sĩ về giảm tần suất xét nghiệm (46%), lo ngại bị lây nhiễm Covid-19 tại cơ sở y tế (46%), hạn chế đi lại (38%) và hạn chế tài chính (38%). Ngược lại, nhóm người có nguy cơ phản hồi hạn chế đi lại (58%), lo ngại bị lây nhiễm Covid-19 tại cơ sở y tế (58%) là những lý do chính dẫn tới giảm tần suất xét nghiệm.
Mặc dù dịch vụ khám chữa bệnh trực tuyến đang được triển khai nhưng vẫn chưa được tận dụng trong chăm sóc HIV. Trong số PLHIV và người có nguy cơ được khảo sát, 64% cho biết họ chưa sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa.
Tiến sĩ Kimberly Green, Giám đốc Chương trình toàn cầu về HIV và Lao của PATH và Giám đốc dự án USAID/PATH Healthy Markets đánh giá: “Bài học chúng ta rút ra được từ dịch Covid-19 đó là ngay cả khi đại dịch ổn định theo thời gian, các hệ thống y tế cần lên kế hoạch cho các gián đoạn tiềm ẩn trong tương lai. Số liệu của khảo sát cho thấy vẫn còn nhiều mảng y tế có thể được cải thiện và cần cách tiếp cận phối hợp đa ngành để đảm bảo chúng ta vẫn đúng tiến độ hướng tới chấm dứt đại dịch HIV tại Việt Nam vào năm 2030”.
Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia và lãnh thổ ở châu Á Thái Bình Dương trong khảo sát đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ y tế liên quan đến HIV bao gồm xét nghiệm, điều trị và dự phòng. Đã có 64 người Việt sống chung với HIV, người có nguy cơ nhiễm HIV và đơn vị đánh giá, kê đơn HIV trong tổng số 1.265 người tham gia khảo sát.