Công ty Thủy điện Sông Tranh: Làm tốt công tác tuyên truyền
Hoạt động vận hành hồ chứa của Thủy điện Sông Tranh 2 luôn được thông báo rộng rãi, kịp thời |
Tăng cường công tác phối hợp
Ông Nguyễn Văn Lân - Phó giám đốc Công ty Thủy điện sông Tranh - cho biết: Do điều kiện địa hình có độ dốc lớn, mưa lớn xuất hiện cục bộ, lũ về hồ thủy điện Sông Tranh 2 đến nhanh với lưu lượng lớn trong thời gian ngắn đã gây nhiều khó khăn cho công tác dự báo, tính toán điều tiết và thông báo đến nhân dân vùng hạ du.
Chỉ tính riêng trong năm 2016, đã xuất hiện 5 cơn lũ với tổng lượng nước lũ về hồ là 2.137 triệu m3. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị tốt, đặc biệt là việc tuân thủ nghiêm “Quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn” nên trong cơn lũ 1và 2 có đỉnh lũ từ 1.271 m3/s - 2.069 m3/s nhưng hồ chứa cắt lũ hoàn toàn; cơn lũ số 3,4,5 do lưu lượng nước cao, thời gian dài nên hồ chứa đã giảm lũ từ 20 triệu m3 đến 347,54 triệu m3.
Công ty Thủy điện Sông Tranh tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng và địa phương thực hiện tốt công tác quản lý vận hành hồ chứa an toàn; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân hạ du. |
Đặc biệt, công ty đã làm tốt công tác phối hợp, báo cáo, thông tin đầy đủ kịp thời cho các đơn vị, chính quyền các cấp và nhân dân, góp phần hạn chế thiệt hại do bão lũ gây ra cho vùng hạ du. Cụ thể, trước và trong thời gian lũ về hồ chứa, đơn vị đã thực hiện quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, qua nhà máy liên tục mỗi 15phút/1 lần và báo cáo, cập nhật số liệu định kỳ cho EVN, Genco 1, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, Sở Công Thương và các huyện, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn...
Trước khi điều tiết, công ty gửi thông báo bằng fax, email, điện thoại đến các cơ quan nêu trên, đồng thời đọc bản tin thông báo qua 6 trạm cảnh báo lũ từ xa; dùng xe lưu động thông báo, kéo còi hụ tại đập tràn để báo động.
Bài học kinh nghiệm
Theo ông Nguyễn Văn Lân, để vận hành hồ chứa an toàn, phòng chống lũ và hạn chế thiệt hại do lũ gây ra, hàng năm công ty đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình quan trắc đập, an toàn đập và hồ chứa, đánh giá động đất, phương án phòng chống bão lụt, cách nhận biết và ứng phó với thiên tai cho cán bộ, nhân dân vùng hạ du.
Từ năm 2012 đến nay, công ty đã tổ chức Hội nghị truyền thông tại 4 huyện vùng hạ du: Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn với hơn 2.000 lượt nhân dân, cán bộ các cấp từ trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn đến ban, ngành của các huyện; tổ chức tham quan trực tiếp tại công trình cho hơn 1.500 lượt nhân dân ở các thôn thuộc phạm vi ảnh hưởng vùng hạ du. Trước mùa mưa bão, công ty xây dựng và triển khai kế hoạch, diễn tập các kịch bản phòng chống thiên tai cụ thể; tổ chức đào tạo, kiểm tra cho cán bộ, công nhân viên trực tiếp sản xuất hiểu và nắm vững các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa, Quy chế phối hợp giữa Công ty với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam; kiểm tra, bảo dưỡng, phát hiện xử lý các thiết bị của nhà máy nhằm đảm bảo vận hành an toàn; chuẩn bị mọi điều kiện, phương tiện vật tư cần thiết, bố trí nhân lực ứng trực 24/24 giờ để có thể xử lý được tất cả các trường hợp phát sinh trong lúc mưa, lũ lớn.
Công ty cũng đầu tư thiết bị, xây dựng 6 trạm cảnh báo lũ từ xa, đồng thời tăng cường công tác dự báo lũ, trao đổi, báo cáo, giữ liên lạc thường xuyên với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để thông tin kịp thời các diễn biến thủy văn, hồ chứa, chế độ vận hành, đề xuất phương án điều tiết hợp lý.