Thừa Thiên Huế: Kiểm tra an toàn diện các dự án nguồn điện trước mùa mưa bão |
Diễn tập ứng phó, xây dựng phương án đảm bảo an toàn
Mùa mưa bão tại miền Trung thường bắt đầu từ tháng 9 dương lịch hàng năm. Trước mùa mưa bão, công tác đảm bảo cho công trình và vùng hạ du được Nhà máy Thủy điện A Vương (Quảng Nam) đặc biệt chú trọng. Đơn vị đã triển khai nhiều phương án đảm bảo an toàn hồ đập, an toàn cho người và tài sản. Đến nay, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được công ty triển khai, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Các thủy điện khu vực miền Trung chủ động có phương án đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống trong mùa mưa bão năm 2022 (Ảnh: Hồ đập thủy điện Sông Bung 4) |
Cụ thể, đơn vị thường xuyên kiểm tra, xử lý các bất thường thiết bị kỹ thuật, trạm điện, máy phát dự phòng diesel, vận hành thử cửa van cung; kiện toàn bộ máy các đội xung kích, …
Chủ động trước diễn biến tình hình mưa bão năm nay, Công ty thường xuyên cập nhật dự báo thời tiết, kiểm tra, theo dõi chặt chẽ công tác vận hành các công trình. Theo ông Ngô Xuân Thế - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, đến thời điểm này, đơn vị đã kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn với phương châm “4 tại chỗ” về chỉ huy, lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần. Công ty hoàn chỉnh báo cáo hiện trạng an toàn đập; phương án ứng phó thiên tai; thường xuyên kiểm tra, bảo trì các thiết bị công trình phục vụ vận hành và điều tiết hồ chứa đảm bảo các thiết bị ở trạng thái vận hành tin cậy trước mùa lũ; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về nhân lực, vật tư, phương tiện, thiết bị, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc luôn được thông suốt, sẵn sàng ứng phó giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai hoặc sự cố xảy ra.
Cùng với các biện pháp được đưa ra, đơn vị thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng của các hạng mục công trình hồ - đập, cửa xả tràn, …; theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với cơ quan chức năng để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình; đồng thời, tăng cường cảnh báo đến nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả tràn hồ chứa.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Công Thương tỉnh cho biết đến thời điểm hiện tại 12/12 thủy điện đã đăng ký cam kết đảm bảo an toàn và có báo cáo an toàn đập, hồ chứa thủy điện năm 2022 gồm A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, A Roàng, Thượng Lộ, A Lin Thượng, A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, Sông Bồ, Thượng Nhật. Tất cả các công trình thủy điện đều đã có phương án ứng phó với thiên tai năm 2022. Tất cả các thủy điện đều đã được cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập thủy điện.
Các đơn vị thủy điện tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Nam thường xuyên kiểm tra máy phát điện nguồn Diesel dự phòng |
Tại nhà máy Thủy điện Hương Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), đơn vị đã rà soát, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai năm 2022; rà soát ký kết Quy chế phối hợp giữa nhà máy với Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại địa phương; thành lập và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, đội xung kích phòng chống thiên tai; vật tư dự phòng được chuẩn bị và tập kết đầy đủ theo các phương án an toàn đập năm 2022 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trang bị hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo phục vụ phòng chống thiên tai năm 2022. Bố trí, huy động nhân lực theo phương án ứng phó thiên tai năm 2022 được phê duyệt; bố trí máy phát điện Diesel dự phòng phục vụ công tác quản lý vận hành và ứng phó thiên tai tại công trình; thực hiện thử các cửa van vận hành bằng nguồn điện lưới và nguồn Diesel dự phòng.
Tương tự, tại các thủy điện còn lại trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại đều chủ động và sẵn sàng ứng phó với các tình huống trong mùa mưa bão.
Sẵn sàng các trạm cảnh báo xả tràn từ xa, đảm bảo an toàn cho hạ du
Hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 có dung tích hơn 730 triệu m3 nước, là một trong 4 thuỷ điện có hồ chứa lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Mùa lũ năm 2021, Công ty Thủy điện Sông Tranh đã vận hành điều tiết, cắt và giảm lũ cho khu vực hạ du với hơn 600 triệu m3 nước.
Ông Vũ Đức Toàn, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, năm 2022, đơn vị đã hoàn thành xong kịch bản ứng phó chi tiết với mùa mưa bão. Trong đó, ký quy chế phối hợp với các nhà máy thủy điện Sông Tranh 3, Sông Tranh 4 và các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn... Đơn vị cũng lắp đặt hệ thống trạm đo mưa, loa cảnh báo, phát tin trên hệ thống truyền thanh huyện, đưa xe lưu động đến từng xã, thôn để tuyên truyền, cảnh báo khi có tình huống mưa bão lớn xảy ra.
“Chúng tôi linh hoạt ứng phó với thiên tai và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân cũng như công trình”, ông Toàn cho hay.
Công ty CP Thủy điện A Vương cùng lãnh đạo huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) kiểm tra mốc báo lũ, phát thử trạm loa cảnh báo xả tràn vùng hạ du nhà máy thủy điện A Vương hôm 18/8 vừa qua |
Còn ông Ngô Xuân Thế - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương cho biết đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền vùng hạ du thuộc tỉnh Quảng Nam xây dựng phương án phối hợp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Phương án đưa ra quy định về việc cung cấp thông tin, số liệu, chế độ quan trắc, dự báo mùa lũ, công tác thông báo hằng ngày; thực hiện các chế độ vận hành bình thường, vận hành giảm lũ cho hạ du, vận hành bảo đảm an toàn công trình, vận hành trong tình huống bất thường. Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương đại diện cho các Nhà máy Thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia đã ký kết Biên bản với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng và phát sóng Quy trình vận hành Nhà máy Thủy điện; các Khuyến cáo trong phòng tránh thiên tai bão lũ trên sóng đài truyền hình địa phương trong 4 tháng mùa mưa 2022. Ngoài ra, Công ty cũng phối hợp cùng chính quyền địa phương vùng hạ du tổ chức kiểm tra, phát thử 15 trạm cảnh báo xả tràn từ xa, kiểm tra 72 cột mốc lũ đã xây dựng vùng hạ du Nhà máy thuộc huyện Đại Lộc.
Theo ông Trương Xuân Tý – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, trước ngày 15/8, các chủ hồ hoàn thành thực hiện các công việc như: kiểm tra hồ chứa trước mùa lũ, duy tu và bảo dưỡng các hệ thống, vận hành thử các cửa van khoang tràn, công tác xây dựng phương án khẩn cấp...
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị các thủy điện rà soát quy chế phối hợp với các địa phương để điều chỉnh, bổ sung; kiểm tra hệ thống cảnh báo xả lũ ở hạ du; kiểm tra kết nối trực tuyến với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam.