Công ty Điện lực Vĩnh Phúc: Phân cấp mạnh, giám sát sâu
- Tại Vĩnh Phúc, các phụ tải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, các cơ quan hành chính, quản lý nhà nước, trường học, bệnh viện nằm đan xen trong cùng một đường dây, vì vậy, việc ưu tiên cấp điện cho các khách hàng quan trọng rất khó khăn. Công ty phải áp dụng biện pháp “cắt tỉa”, vừa vất vả vừa gây bức xúc trong xã hội.
Nằm trong khu vực châu thổ sông Hồng thuộc trung du và miền núi phía Bắc, là tỉnh thuần nông đang chuyển đổi cơ cấu theo hướng CNH, những năm gần đây, tỉnh liên tục đứng ở vị trí tốp đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh. Đây cũng là một trong những thách thức quan trọng đối với Công ty Điện lực Vĩnh Phúc trong nhiệm vụ cấp điện trên địa bàn.
Vượt qua mọi khó khăn thách thức đã nêu trên, công ty vẫn cố gắng đảm bảo cấp điện đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu phục vụ phát triển KT-XH và các sự kiện chính trị quan trọng. Cụ thể, công ty đã phối hợp với Sở Công Thương xây dựng phương án cấp điện, trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp công nghiệp, có sản phẩm chủ lực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh như: Công ty Honda Vietnam, Công ty Toyota Vietnam, Piagio Vietnam, Công ty Dược phẩm Vĩnh Phúc… Từ cuối tháng 3 đến nay, do tình hình cấp điện được cải thiện, công ty không phải thực hiện tiết giảm nhưng vẫn tăng cường tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
Các giải pháp tiết kiệm điện
Tiết kiệm điện được Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn quan tâm chú trọng. Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã đưa ra các giải pháp tiết kiệm điện - đó là, cùng với trên 500 khách hàng ký cam kết tiết kiệm 10% chi phí điện năng sử dụng so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với các khách hàng sản xuất công nghiệp, công ty kết hợp với khách hàng lên phương án chủ động sản xuất trong các trường hợp thiếu điện nguồn. Công ty phối hợp với trên 300 khách hàng xây dựng phương án tiết giảm điện lưới quốc gia, dùng máy phát nội bộ để cung cấp điện và cùng với Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh lập danh sách 47 khách hàng quan trọng sử dụng điện năm 2010 để làm cơ sở thực hiện tốt việc điều hòa, hạn chế phụ tải khi xảy ra thiếu nguồn...
Công ty phối hợp với Sở Công Thương thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh và lập danh sách khách hàng để báo cáo cho UBND tỉnh biết về lượng điện năng tiêu thụ; số tiền điện phát sinh của các đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp năm 2009 để UBND tỉnh chỉ đạo việc tiết giảm điện 10%.
Công ty chỉ đạo các điện lực trực thuộc thực hiện tiết kiệm sử dụng điện, để tiết giảm 10% điện năng so với cùng kỳ năm ngoái và xem đó là một trong những chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hàng tháng của CBCNV. Đối với khối doanh nghiệp, công ty đã tổ chức những buổi tọa đàm, ký biên bản cam kết giảm 15% sản luợng điện tiêu thụ khi thiếu nguồn. Ngoài ra, công ty còn thường xuyên vận động khách hàng tiết giảm điện tối đa như: Điện phục vụ văn phòng, điện chiếu sáng, bố trí hợp lý ca sản xuất để tiết giảm điện trong những tháng mùa khô. Không những vậy, công ty còn chỉ đạo các Điện lực trực thuộc, đến trực tiếp làm việc với đơn vị quản lý chiếu sáng đô thị là Công ty DVMT đô thị, Công ty Cổ phần BOT và đề nghị các đơn vị thắp sáng biển quảng cáo khi thiếu nguồn giảm 50% bóng đèn chiếu sáng.
Song song với những việc trên đây, công ty còn tuyên truyền vận động khách hàng sử dụng bóng đèn compact và bình nóng lạnh dùng năng lượng mặt trời. Năm 2010, công ty bán được 69.000 bóng compact, lắp đặt được 120 bình nóng lạnh dùng năng lượng mặt trời, dần thay thế các thiết bị sử dụng điện hiệu suất thấp.
Ông Nguyễn Hữu Thọ- Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Phúc cho biết, để việc thực hành tiết kiệm điện đi vào ý thức của mỗi cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, cần phải điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, xóa bỏ tình trạng bao cấp về giá tràn lan. Hiện nay, tất cả các hộ sử dụng điện sinh hoạt đều hưởng mức giá từ 60- 80% giá thành và việc dùng điện với giá rẻ sẽ dẫn đến sử dụng lãng phí. Thực tế chúng ta đang thiếu điện trầm trọng nên việc bán điện giờ thấp điểm cho sản xuất bằng khoảng 50% giá thành, cho bơm nước tưới tiêu chưa bằng 30% giá thành cũng quá bất hợp lý, cần điều chỉnh theo hướng tăng mạnh. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, bù giá bán điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách...
An toàn trong mùa mưa lũ
Lưới điện trung áp do Công ty Điện lực Vĩnh Phúc quản lý cơ bản đã được sửa chữa cải tạo, đảm bảo kỹ thuật vận hành. Tuy nhiên, còn một số ít đường dây đi qua vùng đồi trồng bạch đàn, nằm phía ngoài hành lang lưới điện nhưng có khả năng va quệt hoặc đổ vào đường dây khi có gió, bão; một số nhà cửa, công trình còn vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Các đường dây 0,4 kV khu vực nông thôn, nhất là phần do các HTX đang bán điện trực tiếp cho các hộ dân, hầu hết lưới điện cũ nát, chưa được đầu tư cải tạo, sửa chữa cơ bản, dây dẫn chủ yếu vẫn là đường dây nhôm trần, tiết diện dây dẫn nhỏ, dẫn đến nguy cơ mất an toàn.
Công ty đã thực hiện hàng loạt giải pháp để đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa mưa bão. Từ công ty tới các điện lực, phân xưởng đều thành lập Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (BCHPCLB) và phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên. Xây dựng phương án PCLB từ các điện lực tới công ty. Công tác chuẩn bị và ứng phó PCLB năm nay đã được công ty triển khai ngay từ đầu năm 2011. Các phương tiện, vật tư kỹ thuật phục vụ PCLB đã được chuẩn bị chu đáo, đều trong tình trạng sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra. Tổ chức thí nghiệm định kỳ các thiết bị như máy biến áp, máy cắt, chống sét van, điện trở nối đất… đã thực hiện xong trong tháng 3/2011. Những thiết bị không đạt tiêu chuẩn sau khi thí nghiệm được thay thế, sửa chữa, đại tu trong tháng 4/2001. Thực hiện công tác kiểm tra ngày, kiểm tra đêm đường dây và trạm biến áp. Những khiếm khuyết phát hiện qua kiểm tra được kịp thời xử lý như: Xử lý cột nghiêng, thay sứ kém, thay thế các đoạn dây dẫn chất lượng kém, bổ sung tiếp địa, gia cố móng cột và móng néo nơi xung yếu, thay dây néo cột, chặt tỉa cây cối trong và ngoài hành lang lưới điện không để va quệt hoặc đổ vào đường dây khi có gió, bão…
Đối với đường dây đi qua khu vực dân cư và qua vùng có nhiều cây cối cũng như lưới điện hạ áp nông thôn, công ty còn có thông báo, cảnh báo về an toàn điện gửi tới khu vực dân cư và địa phương cũng như kết hợp với đài truyền thanh địa phương để thông báo. Trước và trong mùa mưa bão, công ty đã phối hợp với báo tỉnh, đài truyền hình tỉnh thực hiện các phóng sự về công tác an toàn điện để đăng trên báo và phát trên truyền hình tỉnh. Với những giải pháp đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa mưa bão, cũng như sự tích cực trong công tác tuyên truyền phổ biến cho nhân dân trên địa bàn về công tác đảm bảo an toàn lưới điện, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc sẽ hạn chế được tới mức thấp nhất thiệt hại về điện do bão, lụt gây ra.
Về nhiệm vụ kinh doanh trong những tháng cuối năm, Giám đốc công ty Nguyễn Hữu Thọ - cho biết, những vấn đề cần tập trung thực hiện là: Khắc phục các mặt tồn tại trong kinh doanh, tăng cường công tác quản lý ở các cấp, nâng cao trách nhiệm của CBCNV. Có giải pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của từng tháng, quý, năm và giao chỉ tiêu chi tiết cho từng đơn vị, tổ đội, cá nhân. Qua đó, đánh giá hoàn thành nhiệm vụ được giao theo hiệu quả công việc. Nâng cao nghiệp vụ tin học, đổi mới công nghệ đo đếm và ghi chỉ số. Áp dụng hiệu quả chương trình Cmis2.0 trong công tác kinh doanh, triển khai trang web, chăm sóc khách hàng qua tin nhắn SMS… Thực hiện mô hình kinh doanh mới đã được phân cấp cho điện lực đảm bảo phân cấp mạnh, giám sát sâu.
Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ là tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh điện năng, phục vụ tốt khách hàng trên địa bàn, góp phần quan trọng hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc.
Việt Tú