Tăng năng suất nhờ cơ giới hóa Công ty Cổ phần Than Hà Lầm: Đặt quyền lợi người lao động ở vị trí trung tâm TKV và mục tiêu xanh hóa môi trường khai thác mỏ |
Thực hiện mục tiêu “Mỏ xanh - mỏ sạch, mỏ hiện đại, mỏ ít người”, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin đã dành hàng chục tỷ đồng cho công tác cải tạo, xử lý môi trường và trở thành điểm sáng trong sản xuất xanh tại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Đảm bảo sản xuất xanh, sạch
Đến thăm Trung tâm Điều hành sản xuất của Than Hà Lầm vào những ngày đầu năm mới sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, dẫn nhóm phóng viên chúng tôi đi thăm khu vực sản xuất và hệ thống xử lý môi trường, anh Liêu Hồng Minh - Phó trưởng Phòng Đầu tư môi trường Than Hà Lầm - cho biết: Toàn bộ lượng nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất của công ty đều được thu gom và đưa về các trạm xử lý để đảm bảo các chỉ tiêu theo quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Trung bình mỗi năm, lượng nước thải công ty đã xử lý đạt từ 3,8 triệu - 4,6 triệu m3.
Năm 2024, Than Hà Lầm đặt mục tiêu sản xuất 2,4 triệu tấn than, đào mới gần 12.000 mét lò, đi cùng với đó là triển khai mạnh mẽ đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa những tác động của hoạt động sản xuất khai thác than đến môi trường.
Khuôn viên cây xanh được đầu tư chăm sóc tại Trung tâm điều hành sản xuất -Công ty CP Than Hà Lầm |
Theo ông Nguyễn Mạnh Chuyền - Phó trưởng Ban Môi trường-TKV, Than Hà Lầm là đơn vị duy nhất của TKV trực tiếp đầu tư và vận hành trạm xử lý nước thải có công suất 96.000m3/ngày/đêm và là cơ sở xử lý nước thải lớn nhất trong TKV về nước thải mỏ". Song song với công tác sản xuất, kinh doanh thì công tác bảo vệ môi trường trong nhiều năm qua luôn được công ty quan tâm đầu tư.
Theo đó, để hạn chế, giảm thiểu tối đa các tác động, ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình khai thác khoáng sản đến môi trường, hàng năm, công ty đều lập kế hoạch chi phí quỹ môi trường với tỷ lệ 0,3% tổng chi phí sản xuất của công ty để đảm bảo nguồn lực tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên của đơn vị. Công ty tập trung chủ yếu vào các hoạt động như: Quan trắc môi trường định kỳ, trồng cây phủ xanh các tuyến đường, bãi thải, khai trường lộ thiên đã dừng hoạt động; xử lý chống bụi các kho than; hoạt động phong trào hưởng ứng bảo vệ môi trường; thu gom xử lý rác thải, chất thải… với tổng chi phí hàng năm trung bình từ 8 - 10 tỷ đồng.
Trung bình mỗi năm, lượng nước thải được Than Hà Lầm xử lý đạt từ 3,8 triệu - 4,6 triệu m3 |
Đặc biệt, trong 3 năm gần đây (năm 2021-2023), Than Hà Lầm đã hoàn thành nhiều công trình, hạng mục cho đầu tư, nâng cấp, cải tạo môi trường như hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định đóng cửa mỏ đối với dự án: Khai thác lộ thiên khu II Vỉa 11; dự án khai thác phần ngầm từ -50 đến lộ vỉa và khai thác lộ thiên Tây phay K Hữu Nghị; dự án cải tạo, mở rộng khai thác lộ thiên Khu II Vỉa 11. Cả 3 dự án này Than Hà Lầm đã hoàn thành trồng cây phủ xanh với tổng diện tích phủ xanh đã được xác nhận lên đến 26,51 ha.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã đầu tư và đưa vào sử dụng 5 hệ thống phun sương cao áp cho các nhà kho than. Phạm vi phun sương, bao phủ của mỗi hệ thống có bán kính đạt từ 110m đến khoảng 150m. Thiết bị được đầu tư với mục đích ngăn ngừa, giảm thiểu bụi phát sinh trong quá trình hoạt động của các thiết bị xưởng sàng, ôtô máy xúc trong các kho than của công ty. Đồng thời, công ty đã đầu tư kè rọ đá củng cố hồ lắng +22 với khối lượng khoảng 1.000 rọ đá, củng cố tuyến mương thoát nước khu vực mặt bằng +75 với khối lượng 651 rọ (tương đương khoảng 1.300m3 đá hộc) nhằm đảm bảo công năng hoạt động của hồ lắng và an toàn hoạt động của tuyến đường, khu dân cư, cải thiện cảnh quan khu vực…
Sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính
Là một trong những doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, trong những năm qua, Than Hà Lầm đã chủ động áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 và đã được tổ chức TUV NORD đánh giá và cấp chứng nhận. Đồng thời, để nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của người lao động trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công ty đã ban hành các chỉ thị, quyết định, quy định về việc sử dụng năng lượng với mục tiêu hiệu quả và tiết kiệm như: Tiết kiệm điện, sử dụng điều hòa, chiếu sáng và các thiết bị điện hợp lý; giảm sử dụng các thiết bị vào giờ cao điểm; sử dụng thiết bị điện có gắn sao tiết kiệm năng lượng và hiệu suất cao như đèn chiếu sáng led, các thiết bị inverter, thiết bị tự ngắt điện và có hẹn giờ…
Công ty đã đầu tư, ứng dụng công nghệ mới trong khai thác nhằm tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên (Ảnh: Hà Lầm) |
Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn - Phó phòng Cơ điện Vận tải, toàn bộ hệ thống chiếu sáng được thay thế bằng đèn led tiết kiệm điện, độ sáng cao được điều khiển bằng các tủ tự động điều chỉnh thời gian chiếu sáng vào những thời điểm khác nhau; hệ thống điều hòa tập trung sử dụng inverter; áp dụng công nghệ biến tần phỏng nổ cho các băng tải dốc xuống lò, trạm quạt gió chính..., khởi động mềm cho các tuyến vận tải chính, bơm thoát nước mỏ... Ngoài ra, công ty còn áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại các công đoạn sản xuất khác như: Trục tải, nén khí, nồi hơi, kho lạnh…
Không chỉ đầu tư cho đổi mới công nghệ, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, Than Hà Lầm còn đặc biệt quan tâm đến hiện đại hóa công nghệ trong khai thác. Than Hà Lầm đã chú trọng đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại hóa trong các khâu như khai thác than, đào lò, quan trắc khí mỏ, tin học hóa - tự động hóa vào các lĩnh vực quản lý và sản xuất.
Than Hà Lầm đã chú trọng đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại hóa trong các khâu như khai thác than, đào lò, quan trắc khí mỏ...(Ảnh: Hà Lầm) |
Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Chuyền cho biết: "Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường được Tập đoàn duy trì, chỉ đạo triển khai đồng bộ, thực hiện có hiệu quả chống bụi, xử lý triệt để nước thải và các loại chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường. Theo kế hoạch được phê duyệt, năm 2023, TKV đã thực hiện 57 công trình môi trường, cơ bản hoàn thành, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai. Đồng thời, đã xử lý trên 3.500 tấn chất thải nguy hại, đạt 106% kế hoạch; xử lý đổ thải hơn 140 triệu m3 đất đá thải theo đúng quy định và quy hoạch, thiết kế được phê duyệt. Ngoài ra, TKV còn xử lý 2,7 triệu tấn tro xỉ; hơn 3.300 tấn bùn thải và 1.332 tấn bùn đỏ; duy trì vận hành ổn định 45 trạm xử lý nước thải mỏ, xử lý trên 150 triệu m3 nước thải."
Đối với công tác chống bụi, đã thực hiện đầu tư, củng cố hệ thống lưới chắn bụi tại các kho than tập trung; duy trì thường xuyên công tác tưới nước dập bụi, vệ sinh môi trường trên 30km đường vận chuyển chuyên dụng. Hiện nay, các đơn vị trong TKV đang vận hành có hiệu quả trên 118 thiết bị phun sương cao áp dập bụi, 167 xe tưới đường chuyên dụng, trong đó, 4 xe tưới đường chuyên dụng công suất lớn (dung tích 50m3).
Công tác trồng cây cải tạo, phục hồi môi trường năm 2023 đạt trên 100% kế hoạch và bằng 114,63% so với cùng kỳ năm 2022. TKV đã trồng trên 235ha (vùng Quảng Ninh là 220ha), lũy kế đến hết năm 2023, đã trồng trên 2.000ha cây xanh (vùng Quảng Ninh trên 1.800ha). |