Cụ thể, các khoản quá hạn trên 3 năm không còn khả năng thu hồi là 39,6 tỷ đồng, tăng 1,6 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Đây là các khoản nợ tại Công ty TNHH VTB Nam Triệu (12 tỷ đồng); Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (20,7 tỷ đồng); Công ty Nhiệt Điện Duyên Hải (3 tỷ đồng); Công ty TNHH Dương Giang (gần 930 triệu đồng),…
Trong khi đó, các khoản nợ quá hạn 2 - 3 năm của Công ty CP Cảng Sài Gòn là 4,2 tỷ đồng, nhưng khả năng thu hồi được chỉ hơn 900 triệu đồng. Đáng chú ý là khoản nợ tại Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép 6,6 tỷ đồng, khả năng thu hồi 2,1 tỷ đồng, ...
Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép là “điểm nóng” nợ xấu của Công ty CP Cảng Sài Gòn. Ảnh M.H |
Tính đến ngày 30/6/2024, các khoản nợ xấu (khoản nợ quá hạn 1 - 3 năm) của Công ty Cảng Sài Gòn ở mức 64,4 tỷ đồng, tăng 10,7 tỷ đồng (tương đương tăng 20%) so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, khả năng thu hồi các khoản nợ này chỉ là 8,5 tỷ đồng, do đó doanh nghiệp phải trích lập gần 51 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép đang có khoản nợ quá hạn tại Công ty Cảng Sài Gòn lên tới 33,5 tỷ đồng, chiếm 52%. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Công ty Cảng Sài Gòn đang có 157,5 tỷ đồng phải thu dài hạn tại Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép.
Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) được thành lập ngày 26 tháng 1 năm 2007 trên cơ sở liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Cảng Sài Gòn và APM Terminals – nhà khai thác cảng container của Đan Mạch. Doanh nghiệp này có trụ sở tại Khu phố Tân Lộc, phường Phước Hòa, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Về tình hình kinh doanh, trong quý II/2024, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng 29,2 tỷ đồng so với năm 2023 do doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ khai thác cảng tăng 75,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chỉ tăng 46,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, doanh thu tài chính hợp nhất giảm 1,6 tỷ đồng do giảm lãi tiền gửi ngân hàng, tiền cho vay (3,4 tỷ đồng), tăng lãi chênh lệch tỷ giá (1,3 tỷ đồng) và chi phí tài chính giảm 4,5 tỷ đồng do giảm chi phí lãi vay (4,5 tỷ đồng), giảm lỗ chênh lệch tỷ giá (149 triệu đồng) so với cùng kỳ năm 2023.
Lãi trong công ty liên doanh liên kết giảm 11 tỷ đồng so với cùng kỳ, do trong quý II/2024 lợi nhuận sau thuế của Công ty LD Dịch vụ Container Quốc tế CSG – SSA (SSIT) giảm gần 19 tỷ đồng, Công ty CP Cảng Tổng hợp Thị Vải tăng 2,9 tỷ đồng, Công ty TNHH Cảng Quốc tế SP – PSA tăng 4,6 tỷ đồng so với cùng kỳ 2023.
Chi phí quản lý doanh nghiệp quý II/2024 tăng 58 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023 do chi phí dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi tăng 51,5 tỷ đồng và các khoản chi phí quản lý khác tăng 8,1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có khoản lãi lợi nhuận khác giảm 7,5 tỷ đồng do tăng phát sinh tiền chậm nộp và phạt thuế (7,4 tỷ đồng).
Do đó, Công ty Cảng Sài Gòn báo lãi sau thuế 71,4 tỷ đồng trong quý II/2024, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Công ty Cảng Sài Gòn đạt mức 5.489,2 tỷ đồng, tăng 2,7% so với hồi đầu năm. Trong đó, 23% là tài sản ngắn hạn (1.265,6 tỷ đồng) và 77% là tài sản dài hạn (4.223,6 tỷ đồng).
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Công ty Cảng Sài Gòn tăng 7% lên mức 2.700,5 tỷ đồng, chủ yếu là nợ dài hạn 2.086,5 tỷ đồng (chiếm 77,2%), còn lại là nợ ngắn hạn 614 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 2.788,8 tỷ đồng, giảm gần 2% so với số đầu năm.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP) là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ. Công ty CP Cảng Sài Gòn chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 01/10/2015. Ngày 30/06/2015, công ty bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) với mã chứng khoán là SGP.