Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 20/6: Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
Liên quan đến đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính, tờ Tuổi trẻ có bài: Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng.
Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng được đề xuất giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel được đề xuất giảm từ 1.000 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít; dầu mazut, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/kg.
Thuế bảo vệ môi trường với xăng được đề xuất giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức 1.000 đồng/lít |
Bộ Tài chính cho rằng trường hợp nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành trong tháng 7 thì mức thuế đề xuất nêu trên được áp dụng kể từ ngày 1-8 cho đến hết năm nay. Bộ Tài chính ước tính, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 1.400 tỷ đồng/ tháng.
Báo Người lao động cũng có bài: Bộ Tài chính đề xuất giảm kịch sàn thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu còn 300-1.000 đồng.
Bài báo cho biết, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, nên chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường. Việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn kịp thời trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao được xem là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, từ đó có tác động tức thì trong việc giảm giá bán lẻ xăng dầu.
Việc tăng, giảm giá xăng dầu nói chung sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi của chỉ số CPI, cụ thể: Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn, từ đó góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm và góp phần ổn định lạm phát.
Thách thức bủa vây xuất khẩu hàng hoá nửa cuối năm khi xu hướng bảo hộ vẫn đang tiếp diễn |
Cùng với giá xăng dầu vấn đề quản lý thị trường cũng được nhiều báo quan tâm, trong đó, tờ Lao động đưa tin: Đột kích kho sản xuất, buôn bán dầu nhớt giả quy mô lớn ở Hải Dương.
Theo bài báo, mới đây, tổ công tác của Công an huyện Gia Lộc kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29A - 283.71 do Trương Quang Diện (sinh năm 1980, trú tại thôn Đạo Lâm, xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) điều khiển và phát hiện trên xe đang vận chuyển 60 chai chứa dầu nhớt loại 4 lít (gồm: 43 chai nhãn hiệu Castrol Magnatec 10W - 40 và 17 chai nhãn hiệu Castrol Magnatec Stop - Start 5W – 30) có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Làm việc với lực lượng Công an, Trương Quang Diện khai nhận đây là dầu nhớt giả. Diện khai mua số hàng trên của Nguyễn Bình Kha (sinh năm 1980, trú tại thôn Đỗ Thượng, xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), mục đích vận chuyển để bán kiếm lời.
Được biết, để thực hiện hoạt động sang chiết, sản xuất dầu nhớt giả trái phép, Kha đi thu mua các vỏ chai, bình dầu nhớt đã qua sử dụng của các thương hiệu Castrol, HONDA, Yamaha… từ nhiều nơi khác nhau; đồng thời Kha thu mua một số phi dầu loại 200L của các thương hiệu Total, Mipec tại một số cửa hàng. Sau đó sử dụng dụng cụ sang chiết dầu đã được lắp đặt sẵn trong kho để sang chiết dầu từ phi 200L lên bình chứa 1.000L rồi đóng vào các chai in nhãn hiệu Castrol, HONDA, Yamaha với nhiều loại dung tích khác nhau (0,8L; 1L; 4L; 18L). Kha khai nhận, số lượng dầu giả mà cơ sở này sản xuất trong 1 tháng từ 5.000 đến 6.000L.
Liên quan vấn đề xuất khẩu, tờ Hải quan nêu đánh giá: Xuất khẩu gập ghềnh nửa cuối năm. Bài báo ghi nhận, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩuhàng hoá thu về 152,96 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 21,2%), cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 14,8%). “Điều này tiếp tục cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Bộ Công Thương nhận định, thời gian tới, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các FTA của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản sẽ là thuận lợi lớn cho sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức bủa vây xuất khẩu hàng hoá nửa cuối năm không hề nhỏ khi xu hướng bảo hộ vẫn đang tiếp diễn. Việc dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc cùng chính sách “Zero-Covid” ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hoá và cả hoạt động xuất khẩu hàng hoá qua biên giới của Việt Nam. Ngoài ra, giá cước vận tải đang ở mức cao, giá năng lượng và các mặt hàng nguyên vật liệu đang gia tăng mạnh; xung đột Nga-Ukraine cũng tác động nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.