Công tác hội nhập kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu thực chất
Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động chưa từng có trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai các biện pháp đồng bộ để nâng cao tính tự lực, tự cường của nền kinh tế, từ đó đóng góp cho việc thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển hơn nữa kinh tế và nâng cao vị thế của đất nước.
Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường các nước mới có quan hệ thương mại tự do theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí có một số thị trường trên 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung.
Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau, quả tươi, rau, củ, quả chế biến, gạo, thủy sản, đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường FTA mới. Các thành tựu trên đã giúp đa dạng hóa thị trường, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định cũng như chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng ngày càng cao hơn.
Các sáng kiến của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao; duy trì, thúc đẩy hợp tác với các nước đối tác truyền thống, các nước láng giềng và các đối tác lớn tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư của Việt Nam. Công tác phổ biến, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế được cải thiện cơ bản, được thể hiện qua các chỉ số tích cực về hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với các FTA.
Đến nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi được 17 FTA song và đa phương, trong đó 15 FTA đã có hiệu lực và 2 FTA đang trong quá trình đàm phán là: FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) và FTA giữa Việt Nam và Israel.
Trong số 15 FTA đang thực thi có không ít các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, như: Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Những FTA này với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hoá dịch vụ, mức độ cam kết sâu thông qua việc cắt giảm thuế gần như về 0% với cơ chế thực thi chặt chẽ, đã và đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Cụ thể, khai thác tốt các FTA, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua đã có những bước tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2001 là năm đầu tiên của thế kỷ 21 con số xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ khiêm tốn với hơn 30 tỷ USD, nhưng đến năm 2007 - tức là chỉ sau 6 năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đã cán mốc 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tiếp sau đó, các cột mốc 400 tỷ USD đã được thiết lập vào tháng 12/2017 và 500 tỷ USD vào tháng 12/2019; 600 tỷ USD vào tháng 12/2021. Với kết quả này, WTO ghi nhận, xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng 20 trên thế giới. Trong ASEAN, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đứng thứ 2, chỉ sau Singapore.
Năm 2022, dù nhiều nền kinh tế trên thế giới chịu tác động bởi dịch Covid-19, suy thoái kinh toàn cầu, lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng nhờ tận dụng, khai thác tốt các FTA, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Đặc biệt, nếu cách đây 30 năm – khi bắt đầu tham gia FTA, Việt Nam mới có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, thì đến nay, nhờ khai thác tốt các FTA, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đây là điều mà không phải quốc gia nào cũng làm được.
Như vậy, không chỉ đưa sản phẩm, hàng hoá của các doanh nghiệp, người nông dân Việt Nam ra thế giới, FTA còn hỗ trợ đưa những hàng hoá, sản phẩm chất lượng của thế giới về Việt Nam.
Nhờ các FTA, những sản phẩm nông sản của Việt Nam như thanh long, bưởi, vú sữa, vải, xoài… đã nhanh chóng thâm nhập chính ngạch tại nhiều thị trường và mang ngoại tệ về cho đất nước, cải thiện đáng kể thu nhập, cuộc sống của người lao động, người nông dân. Cùng với đó, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội được lựa chọn, sử dụng những những sản phẩm, hàng hoá chất lượng từ các quốc gia trên thế giới được nhập khẩu về bán tại Việt Nam.
Nhờ tận dụng tốt các FTA, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít quốc gia duy trì được tăng trưởng kinh tế dương, bất chấp những tác động từ đại dịch và sự bất ổn của kinh tế thế giới. Chất lượng cuộc sống của người Việt Nam được cải thiện và nâng cao rõ rệt cả về vật chất và tinh thần, trong đó có nhiều tiêu chí gây ấn tượng, ngang với những nước phát triển. Dấu ấn, tầm ảnh hưởng của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, khu vực và quốc tế được đánh giá cao, nhiều sáng kiến của Việt Nam được bạn bè đồng tình, ủng hộ. Trong đó có thể kể đến sáng kiến và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).