Công suất nguồn điện Việt Nam đứng đầu khu vực Asean
Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cho biết, tính cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670MW (tăng 3.420MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27,0%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Góp phần vào thành quả quan trọng nêu trên có đóng góp trực tiếp của EVN trong việc nâng cao năng lực hệ thống điện. Năm 2021, dù gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các thủ tục đầu tư, đền bù GPMB, chuyển đổi mục đích đất rừng, thu xếp vốn, giá vật tư, vật liệu tăng cao và giãn cách do dịch Covid-19, nhưng Tập đoàn và các đơn vị rất nỗ lực và có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình/dự án nguồn và lưới điện.
Đối với nguồn điện, EVN đã đưa vào vận hành NMTĐ Thượng Kon Tum (220MW) và NMTĐ Đa Nhim MR (80MW); Hoàn thành cụm công trình cửa xả dự án TĐTN Bắc Ái; Thực hiện khởi công 03 dự án nguồn điện gồm: NMTĐ Hòa Bình MR (480MW), NMTĐ Ialy MR (360MW) và NMNĐ Quảng Trạch I (1.200MW).
EVN đã thực hiện các giải pháp đồng bộ để đảm bảo thu xếp vốn cho các dự án, trong đó đã ký kết các hợp đồng tín dụng vay vốn nước ngoài không bảo lãnh Chính phủ cho các dự án NMTĐ Ialy MR (74,7 triệu EUR), Hòa Bình MR (70 triệu EUR); vay vốn VCB với giá trị 27.100 tỷ đồng cho dự án NĐ Quảng Trạch I. Đồng thời giải quyết thủ tục gia hạn, điều chỉnh danh mục và sử dụng vốn dư từ các dự án vay vốn ODA đang triển khai thực hiện với tổng giá trị vốn dư khoảng 440 triệu USD.
Công suất nguồn điện Việt Nam đứng đầu khu vực Asean đạt 76.620 MW |
Ông Trần Đình Nhân cho biết thêm, nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, năm 2022, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai và đảm bảo tiến độ, chất lương các công trình nguồn và lưới điện. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các dự án điện đã khởi công như: Thuỷ điện Hoà Bình MR, Ialy MR, Nhiệt điện Quảng Trạch I; EVN sẽ khởi công và hoàn thành phát điện thương mại các dự án ĐMT Phước Thái 2 (100MWp), Phước Thái 3 (50MWp). Phấn đấu khởi công dự án NĐ Ô Môn IV (1.050MW); Đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, thu xếp vốn đối với 05 dự án nguồn điện trọng điểm: TĐ Trị An MR, NĐ Dung Quất I&III, NĐ Ô Môn III, NĐ Quảng Trạch II.
Bên cạnh đó triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án nguồn điện mới sau khi Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao EVN làm chủ đầu tư.
Liên quan đến các công tác đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện, lãnh đạo EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII để EVN và các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ các công trình nguồn và lưới điện.
EVN kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét chấp thuận cho EVN được ký hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn cho dự án NMNĐ Quảng Trạch I theo ý kiến của Văn phòng Chính phủ tại văn bản số 8546/VPCP-KTTH ngày 22/11/2021.
Cũng theo lãnh đạo EVN, hàng năm, EVN và các đơn vị thành viên của EVN đầu tư mới khoảng 1.000 dự án nguồn và lưới điện, do dó, để đẩy nhanh tiến độ triển khai, EVN kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục phân cấp thẩm định các bước thiết kế đối với dự án nhóm B, công trình cấp II trở xuống cho Tập đoàn/ Tổng công ty thuộc Tập đoàn. Đồng thời Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải cấp thiết vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh để EVN và các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVN kiến nghị Bộ này trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án ĐD 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên.