Theo UBND tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, một số dự án công nghiệp mới đi vào hoạt động và có đóng góp vào mức tăng chung của ngành công nghiệp trên địa bàn. Do đó, giá trị sản xuất công nghiệp trong quý III và 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - Trần Thắng (áo trắng bên trái) trong chuyến thăm và làm việc với các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh |
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước tính quý III đạt 3.695 tỷ đồng, tăng 4,7%; 9 tháng đạt 10.242 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý III ước tăng 3,4%; 9 tháng ước tăng 5,2% so với cùng kỳ. Trong đó, cá đông lạnh đạt 1.565 tấn, tăng 104%; ván ép từ gỗ đạt 64.221m3, tăng 56,5%; sản phẩm tinh bột sắn đạt 5.677 tấn, tăng 26,5%; gạch xây dựng bằng đất nung đạt 283 triệu viên, tăng 22,2%... so với cùng kỳ. Hiện tỉnh Quảng Bình có 5 sản phẩm được tôn vinh hàng công nghiệp nông thôn biểu cấp quốc gia năm 2021 (trà nhân sâm Bố Chính Tuệ Lâm Luxury, cao nấm linh chi, bột năng Long Giang, miến dong Sông Son và dầu lạc nguyên chất Trường Thủy).
Bên cạnh đó, các dự án phát triển công nghiệp lớn trên địa bàn cơ bản đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Cụ thể, Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 đang tích cực triển khai các hạng mục còn lại; hạng mục nhà máy chính đã hoàn thành 48,3/48,6 ha gói thầu san nền; hạng mục tuyến ống nước ngọt đã trình EVN phê duyệt kết quả đánh giá kỹ thuật gói thầu xây lắp…
Dự án Cụm trang trại điện gió B&T dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 10/2021, hiện đang triển khai thi công xây dựng, đã hoàn thành các tuyến đường nội bộ, đốc được 60/60 trụ móng tua bin, lắp hoàn chỉnh 36 trụ, vận hành chạy thử nghiệm 22 trụ tua bin; thực hiện đóng điện ngược vào trạm biến áp và mang điện trên đường dây 220kV, thực hiện đóng điện từ TBA BT2 vào TBA BT1...
Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, bên cạnh duy trì mức tăng trưởng thì dịch bệnh Covid-19 cũng đã ảnh hưởng nặng nề một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp. Từ cuối tháng 8/2021, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn áp dụng Chỉ thị 16 nên đã ngừng hoạt động. Tại các địa bàn áp dụng Chỉ thị 15, năng lực sản xuất và lao động của doanh nghiệp giảm một nửa so với kế hoạch, hoặc chỉ còn 30% công suất và đến thời điểm hiện nay một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ đã ngừng hoạt động. Hoạt động kinh doanh thương mại gặp nhiều khó khăn, đồng thời thu nhập của người dân trong thời gian này giảm, sức mua thấp, người dân chủ yếu chi tiêu vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc mem và các vật phẩm tiêu dùng thiết yếu khác.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý III giảm so với quý trước. Ước tính quý III/2021, tổng mức bán hàng hóa đạt 10.423 tỷ đồng, giảm 2,3% so với quý trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, 9 tháng đạt 31.745 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại tiếp tục tăng cường.
Những tháng cuối năm 2021, chính quyền cùng doanh nghiệp tích cực triển khai hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm ổn định tình hình sản xuất kinh doanh |
Tính đến ngày 15/9, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 7.518 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 90.583 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó số doanh nghiệp đang hoạt động và có doanh thu (hoạt động thực) là 3.861 doanh nghiệp, chiếm 51,4% tổng doanh nghiệp.
9 tháng đầu năm đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 429 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 6.978 tỷ đồng (giảm 8,7% về số lượng và giảm 9,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ); có 22 doanh nghiệp giải thể, 170 doanh nghiệp tạm thời ngừng hoạt động và 164 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - cho biết, nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh cho những tháng cuối năm 2021 và thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành quyết liệt trong công tác hỗ trợ và các giải pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19. "Trong đó, chủ động triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục; mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Triển khai gặp mặt, đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp nhằm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, xử lý những vướng mắc cụ thể của từng nhà dầu tư…", Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm.