Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí: Cần khơi thông chính sách
Thiếu nguồn lực đầu tư
Theo Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), ngành đúc có vị trí, vai trò quan trọng trong ngành CNHT, có thể chiếm từ 40% đến 70% giá trị trong chuỗi công nghệ chế tạo các sản phẩm cơ khí. Nắm bắt được nhu cầu và xu thế phát triển ngành công nghiệp đúc, ngay từ đầu năm 2008, VEAM đã đầu tư nhà máy đúc tại thành phố Hồ Chí Minh với dây chuyền đúc khuôn cát tươi và dây chuyền đúc Furan với công suất 4.500 tấn sản phẩm đúc/năm và nhiều khâu tự động hóa. Từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng, các sản phẩm đúc của nhà máy đã dần khẳng định được uy tín trên thị trường. Đặc biệt, nhà máy đã ký được các hợp đồng lớn về cung cấp sản phẩm đúc cho các công ty nước ngoài với yêu cầu rất cao về chất lượng như Toshiba, Ge, Juki, Iseki…
Tuy nhiên, những doanh nghiệp (DN) có khả năng đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại như VEAM trong ngành đúc còn rất ít. Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có khoảng 500 DN, cơ sở làm đúc, trong đó chỉ có khoảng 10 DN và phần lớn là các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là có công nghệ tiên tiến. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc đầu tư công nghệ, thiết bị cần nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy, các DN ngành đúc hiện đang rất cần có sự hỗ trợ mạnh và cụ thể của nhà nước để sớm được tiếp cận công nghệ mới, tập trung đầu tư một cách đồng bộ các thiết bị hiện đại đáp ứng quy hoạch phát triển ngành đúc Việt Nam giai đoạn 2009 - 2020, có xét đến năm 2025 do Bộ Công Thương đề ra.
Đây cũng là thực trạng chung của các DN CNHT ngành cơ khí. Theo Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI), tình trạng chung của các DN cơ khí hiện nay là máy móc đã đầu tư và sử dụng qua hàng chục năm. Điểm qua cũng có tới trên 50% máy sử dụng từ 30 - 50 năm, đã hết khấu hao. Trong đó, thiết bị nhập khẩu xuất xứ chủ yếu từ Liên Xô cũ, Đông Âu... Các DN thường chọn đầu tư bổ sung một số thiết bị cho các khâu quyết định chất lượng sản phẩm hoặc trùng tu, cải tiến máy móc cũ để tiếp tục sử dụng. Do đó, nhìn chung, ngành cơ khí trong nước vẫn chưa có cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể chế tạo máy móc, thiết bị đạt tiêu chuẩn, hàm lượng công nghệ cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Gỡ khó từ chính sách
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho rằng, để nhanh chóng phát triển CNHT ngành cơ khí, cần mở rộng các hình thức vay trung hạn và dài hạn với lãi suất hợp lý và thời gian hoàn trả vốn phù hợp với khả năng thực tế thu hồi vốn của từng dự án cụ thể, từng sản phẩm cụ thể và trong giai đoạn nhất định. Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển. Vai trò của quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cũng rất quan trọng trong việc hỗ trợ cho DN có nhu cầu đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, khuyến khích và thu hút mọi nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, ưu đãi và tạo môi trường dễ dàng để tư nhân có thể đầu tư, thành lập các DN sản xuất sản phẩm CNHT ngành cơ khí. Các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế mua sản phẩm CNHT sản xuất tại Việt Nam có thể được ưu tiên xem xét cho vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước. Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT ngành cơ khí chế tạo có nhu cầu vay vốn nước ngoài có thể được Chính phủ xem xét bảo lãnh vốn vay cho từng trường hợp cụ thể. Nhà nước có thể dành một phần nguồn vốn ODA cho ngành cơ khí, đồng thời có chính sách thu hút, khuyến khích, hướng nguồn vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực CNHT ngành cơ khí.
Theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu… |
Đồng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE) cho biết, trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để thúc đẩy phát triển ngành cơ khí chế tạo trong nước, cần có các chính sách hỗ trợ vay vốn để DN đầu tư vào thiết bị máy móc, nhà xưởng sản xuất; xây dựng các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ; quy hoạch, tạo điều kiện và có chế độ ưu đãi cho các DN cơ khí được vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với chi phí hợp lý. Đồng thời, nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí chi đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật kỹ sư, kỹ thuật viên các DN sản xuất sản phẩm CNHT; xây dựng cơ chế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kỹ thuật từ DN FDI sang DN Việt Nam.