Công nghiệp địa phương: Điểm sáng ngành Công Thương
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) (Bộ Công Thương), năm 2015, Cục CNĐP đã triển khai nhiều nội dung, chương trình đạt hiệu quả rất tốt. Bằng việc liên kết chặt chẽ, giải đáp kịp thời khó khăn, vướng mắc của Sở Công Thương các tỉnh, Cục CNĐP đã theo dõi sát sao, thúc đẩy ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp cả nước phát triển. Cục cũng tổ chức Hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg về Quy chế quản lý cụm công nghiệp (CCN); trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch CCN đối với 63 tỉnh/thành phố; đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chương trình hỗ trợ CCN giai đoạn 2016 – 2020…
Tuy nhiên, sự thay đổi về chất và lượng của hoạt động khuyến công mới là điểm nhấn trong hoạt động của Cục CNĐP năm vừa qua. Năm 2015, Cục đã hoàn thành công tác xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) với 101.461,12 triệu đồng, đề nghị tạm ứng kinh phí các hợp đồng đạt 91,74% kế hoạch.Từ nguồn kinh phí KCQG, các phòng, trung tâm chức năng thuộc Cục đã tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 1.204 lao động, tỷ lệ lao động sau đào tạo đạt trên 90%; hỗ trợ xây dựng 52 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; xây dựng và đăng ký được 21 thương hiệu cho các cơ sở. Đặc biệt, Cục tổ chức thành công Lễ công bố tôn vinh 100 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2015.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá: Năm 2015, Cục CNĐP đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra; giúp Bộ Công Thương thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công. Tuy nhiên, việc theo dõi, cập nhật và tổng hợp một số chỉ tiêu ngành công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Do đó rất khó cho việc đánh giá và so sánh giữa các địa phương, các vùng và cả nước; công tác lập đề án, xây dựng kế hoạch, theo dõi tổ chức thực hiện đề án khuyến công của các địa phương còn yếu, ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch....
Phát huy hơn nữa vai trò
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2016, Cục CNĐP đã sớm có định hướng một số hoạt động cụ thể, như: Phối hợp với Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên, phía Bắc lần thứ III - năm 2016; phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ trung hạn đầu tư hạ tầng CCN giai đoạn 2016 – 2020; tổ chức 2 Diễn đàn cơ chế, chính sách phát triển CCN trên phạm vi cả nước…
Riêng về hoạt động khuyến công, Cục sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế để thành lập các đề án khuyến công mũi nhọn, có lợi thế của từng địa phương; xây dựng đề án có tính liên vùng, tạo nên chuỗi giá trị khuyến công trong một số ngành, lĩnh vực thế mạnh của phía Bắc như dệt – may, cơ khí; tập trung đẩy mạnh công tác tư vấn, nhất là tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp về các lĩnh vực: Lập dự án đầu tư, thiết kế và lập dự toán chi tiết thi công các công trình công nghiệp…Cục CNĐP cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc bám sát chương trình, chủ động triển khai kế hoạch. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ; cải cách thủ tục hành chính…Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 của Cục CNĐP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: Năm 2016, Cục CNĐP cần chú trọng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng thời gian, chất lượng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn… Riêng với chương trình khuyến công cần có nét mới trong triển khai, nhằm đạt mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống người lao động, giúp doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện hội nhập.