Công nghiệp chế biến: Nâng tầm giá trị nông sản Đắk Nông
Giá trị cao từ nông sản Đắk Nông
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu rau quả nổi tiếng của Đắk Nông, những năm qua, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Yến Nhi, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức chủ yếu xuất thô sản phẩm. Năm 2021, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiêu thụ nông sản khó khăn, công ty đã quyết định đầu tư hơn 4 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu cấp đông các loại nông sản tươi phục vụ xuất khẩu.
Vào mùa sầu riêng, mỗi tháng công ty thực hiện cấp đông khoảng 60-80 tấn sầu riêng múi, không chỉ tạo công ăn việc làm cho 65 lao động tại địa phương mà còn góp phần tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Sau vụ sầu riêng, Công ty tiếp tục trở lại chế biến sản phẩm chanh dây, phục vụ thị trường. Sản phẩm được chế biến, cấp đông khi xuất khẩu sẽ mang lại giá trị lớn hơn thông thường khoảng gấp 2 lần.
Việc đầu tư cho công nghệ chế biến giúp nâng cao giá trị nông sản |
Là đơn vị được thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2016, Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Nam Hà (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Đắk Nông) hỗ trợ 195 triệu đồng để đầu tư thêm máy sấy đa năng liên hoàn với tổng kinh phí 515 triệu đồng. Thiết bị này giúp Hợp tác xã tăng công suất chế biến từ 1.000 tấn lên 3.000 tấn gấc tươi/năm, nâng cao chất lượng, sản phẩm làm ra có độ khô đồng đều, gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đó là 2 trong rất nhiều dự án đầu tư vào chế biến nông sản trên địa bàn Đắk Nông thời gian qua. Trong 5 năm qua, giá trị công nghiệp chế biến nông, lâm sản của tỉnh đã có bước phát triển. Trên địa bàn tỉnh hiện có 26 kho đông lạnh với công suất 3.000 tấn phục vụ việc sơ chế, cấp đông sản phẩm để xuất khẩu. Thông qua các đề án thuộc Chương trình khuyến công, năm 2021, Sở Công thương đã triển khai thực hiện 10 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản. Tỉnh Đắk Nông phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2025 là 14,52%/năm.
Bên cạnh đó, theo thống kê, tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 800 hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở tư nhân, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản. Trong đó, có 70 cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ ngành hàng nông sản, 26 kho đông lạnh với công suất 3.000 tấn.
Tăng cường phát triển công nghiệp chế biến
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid19 còn diễn biến phức tạp, hỗ trợ cho doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, người nông dân để thúc đẩy tiêu thụ nông sản của địa phương là việc làm hết sức thiết thực. Thời gian qua, các ngành, các cấp của tỉnh đã tập trung tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhưng đồng thời cũng tháo gỡ những khó khăn để cung ứng đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trong tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương đã đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường nông sản trên thế giới thông qua tham tán thương mại ở các nước, tập trung thông tin một số thị trường truyền thống của hàng hóa nông sản chủ lực địa phương.
Bên cạnh đó, để tập trung phát triển cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, tỉnh Đắk Nông đã ban hành chương trình hành động về phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản, đáp ứng chuỗi liên kết giá trị gia tăng giai đoạn 2021-2025. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thu hút, hỗ trợ đầu tư phát triển mới từ 3 - 4 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản lớn theo hướng chuyên sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Ngoài ra, theo Dự thảo Báo cáo giữa kỳ lập Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2022, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ phân bố phát triển công nghiệp theo ngành
Đối với ngành công nghiệp chế biến, tỉnh xác định phát triển ngành công nghiệp cà phê gắn với vùng nguyên liệu tại: Đắk Song, Đắk Mil, Đắk R’lấp và Tuy Đức. Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp hồ tiêu gắn với vùng nguyên liệu tại: Đắk Song, Đắk R’lấp, Đắk Mil. Phát triển ngành công nghiệp chế biến điều gắn với vùng nguyên liệu tại: Tuy Đức, Đắk R’lấp, Krông Nô. Phát triển ngành công nghiệp chế biến trái cây, hoa quả gắn với vùng nguyên liệu tại: Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk G’long. Định hướng này được kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, nâng tầm nông sản địa phương.