Công nghệ robot là trụ cột của nền công nghiệp 4.0
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tại hội thảo chuyên đề “Công nghệ Robotics Mechatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam", diễn ra sáng ngày 21/8, tại Hà Nội.
Hội thảo do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018”, diễn ra từ ngày 18 - 24/8 tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chương trình quy tụ khoảng 100 chuyên gia công nghệ, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới để cùng chia sẻ tầm nhìn, chiến lược với các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức trong nước về cách tiếp cận, giải pháp tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình xây dựng, phát triển kinh tế Việt Nam.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội thảo |
Cần tiếp cận, làm chủ công nghệ
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, trong khuôn khổ buổi hội thảo, các đại biểu được nghe những bài trình bày, những câu chuyện của các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ người Việt ở nước ngoài về xu hướng phát triển, những thành tựu và hướng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ robot - cơ điện tử trong công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, là các bài trình bày, trao đổi của các nhà khoa học, chuyên gia và đại diện của doanh nghiệp trong nước về hiện trạng, nhu cầu nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ robot - cơ điện tử trong công nghiệp và dân dụng.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn giữa nhu cầu và khả năng ứng dụng công nghệ robotics - mechatronics (công nghệ robot - cơ điện tử) trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp đang cần những nhà khoa học, chuyên gia công nghệ cùng phối hợp để trả lời câu hỏi “Ai?” và “Làm như thế nào?” để giải quyết những thách thức này. Do đó, những giải pháp đề xuất để triển khai thực hiện cần có sự nhìn nhận, đánh giá tổng thể và toàn diện nhưng bước đi thì phải cụ thể, phù hợp để đảm bảo chúng ta đón nhận thành công những cơ hội mà công nghệ robot và cơ điện tử nói riêng và cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung có thể mang lại.
Tiến sĩ Hoàng Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Viện máy và dụng cụ công nghiệp cho rằng, công nghệ Robotics có thể ứng dụng phổ biến trong sản xuất công nghiệp và toàn bộ các lĩnh vực xã hội. Việc tiếp cận, làm chủ và triển khai ứng dụng công nghệ này sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động. Đây được coi là xu thế tất yếu.
Đồng quan điểm, giáo sư La Mạnh Hùng, Giám đốc phòng thí nghiệm robot tiên tiến và tự động hóa, Đại học Nevada của Hoa Kỳ cho rằng, xu hướng ứng dụng robot đang diễn ra rất mạnh mẽ ở các nước trên thế giới, trong khi ở Việt Nam việc ứng dụng công nghệ này mới chỉ thấy ở các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng robot trong sản xuất còn hạn chế. Thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa biết dùng robot vào việc gì, nâng cao được năng suất hay không? Do đó, cần có những chuyên gia giúp họ, làm cùng họ cũng như cung cấp đầy đủ thông tin cho các doanh nghiệp để họ nhận thấy việc ứng dụng robot sẽ giúp sản xuất tăng cao.
Trước vấn đề này, PGS.TS. Hồ Anh Văn, Trưởng Khoa học vật liệu JAIST – Nhật Bản chia sẻ, ngoài sản xuất công nghiệp, robot có thể ứng dụng trong nông nghiệp (hái quả, chăm sóc cây trồng), y tế (phẫu thuật, chăm sóc người già)... Hiện ứng dụng robot vào thị trường Việt Nam chưa có nhiều. Do đó, chúng tôi đang đào tạo cho các sinh viên Việt Nam, hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam để sản xuất thử nghiệm. Chúng tôi hi vọng, công nghệ robot có thể được ứng dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ robot vào đời sống xã hội trở nên phổ biến cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó, mạng lưới liên kết giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, giữa cơ quan nhà nước với các trí thức khoa học, giữa doanh nghiệp với nhà khoa học… cần phải được tổ chức xây dựng một cách bài bản, có chiều sâu.
Đồng hành hình thành mạng lưới liên kết
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, với mong muốn, niềm tin mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, chúng ta cần sớm có những hành động, đề tài, dự án cụ thể, thiết thực để cùng phối hợp triển khai thực hiện, làm cơ sở hình thành các mạng lưới liên kết trong lĩnh vực robotic - mechatronics.
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo |
Các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ robot và cơ điện tử có thể hình thành mạng lưới tham gia liên kết với các cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong nước dưới nhiều hình thức, phương thức và cơ chế khác nhau, cụ thể như: Phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước cùng thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học; phối hợp với các trường đại học trong nước tham gia đào tạo, biên soạn giáo trình, tham dự các hội thảo khoa học, hội thảo chuyên đề; phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức khoa học công nghệ tham gia tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đổi mới công nghệ sản xuất, sáng tạo phát triển sản phẩm mới.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu |
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ “thu hút các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, chuyên gia là người Việt Nam tại nước ngoài làm nòng cốt thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ”, được quy định tại Quyết định số 754/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.