Trên 90% nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ đã được chi trả đúng đối tượng
Tại Quảng Trị, ngày 31/3/2017, đoàn công tác liên ngành của Trung ương do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế một số địa phương, cơ sở kinh doanh cá sau đó làm việc với tỉnh.
Báo cáo với đoàn, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đến cuối tháng 3/2017, hiện toàn tỉnh còn trên 1.600 tấn hải sản, 450 lít nước mắm và khoảng gần 1.000 tấn mắm và ruốc đặc tồn kho; số hàng thủy hải sản không đảm bảo an toàn phải tiêu hủy hơn 21 tấn. UBND tỉnh Quảng Trị đã tạm cấp hơn 482 tỷ đồng cho 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng, trong đó các địa phương đã chi trả trên 460 tỷ đồng. Số tiền còn lại chưa chi trả hết do một số xã kê khai nhầm các nhóm đối tượng, một số tàu thuyền công suất thực tế đang hoạt động khác với công suất trong hồ sơ đăng kiểm, một số lao động đi nước ngoài, lao động kê khai trùng lặp… Tỉnh sẽ xử lí dứt điểm chậm nhất đến ngày 20/4 phải chi trả xong..
Chi bồi thường ở xã Quảng Công - huyện Quảng Điền TT Huế |
Tại Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chi trả trong đợt 1 là 351,178 tỷ đồng, cho 18.162 đối tượng. Tổng khối lượng thủy sản tồn kho trên địa bàn Thừa Thiên Huế là 495,2 tấn; trong đó 475,4 tấn đã được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và 19,8 tấn không đảm bảo an toàn đã tiêu hủy.
Tại Quảng Bình, giá trị bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển là trên 2.050 tỷ đồng, bằng 88% so với kê khai ban đầu. Số tiền này đã được tỉnh giải ngân, trong đó 1.833 tỷ đồng do Trung ương tạm cấp số còn lại địa phương tạm ứng ngân sách chi trả. UBND tỉnh chỉ đạo phải hoàn thành việc tiêu hủy thủy hải sản không đảm bảo an toàn, đồng thời kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ số lượng, chủng loại, tuyệt đối không để tổ chức, cá nhân lợi dụng việc tiêu hủy để trục lợi, chiếm đoạt tiền bồi thường.
Tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt giá trị thiệt hại được bồi thường, hỗ trợ là 1.091,59 tỷ đồng (đạt 91% so với số kinh phí của Trung ương tạm cấp là 1.200 tỷ đồng), trong đó đã chi trả cho các đối tượng được 1.022,8 tỷ đồng (đạt 86% số kinh phí Trung ương cấp).
Những vướng mắc, kiến nghị
Sau kiểm tra, các đoàn công tác liên ngành đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các địa phương sau sự cố môi trường biển thời gian qua. Chính sự vào cuộc kịp thời, động viên, giải thích, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân đã làm cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được ổn định.
Ngư dân Vịnh Mốc - Quảng Trị nhận tiền bồi thường hỗ trợ thiệt hại |
Tại Quảng Trị, tỉnh cho biết, khó khăn hiện nay là việc xác định giá trị bồi thường cho chủ cơ sở nuôi tôm mật độ dưới 6 con/m2 chưa được thực hiện do chưa có định mức áp giá. Bên cạnh đó, việc xác định tôm chết do dịch bệnh hay do sự cố môi trường biển là rất khó khăn và thiếu cơ sở để xác định. Ngoài đối tượng là ngư dân và chủ tàu đã được chi trả, còn các đối tượng như cơ sở kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, cơ sở hấp sấy cá, kinh doanh hải sản và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá đã được kê khai theo Công văn 6851 nhưng chưa được hỗ trợ bồi thường thiệt hại... Kiến nghị Chính phủ cho phép bồi thường, hỗ trợ tiêu thụ, tiêu hủy hàng thủy sản tồn kho của các cơ sở thu mua, tạm trữ hàng thủy sản ngoài các địa phương ven biển.
Thừa Thiên Huế thì kiến nghị bổ sung các đối tượng lao động bán hàng đơn giản, phục vụ du lịch; các đối tượng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng cửa hàng ăn uống dọc quốc lộ 1A và ven đầm Cầu Hai (217 đối tượng và 25 doanh nghiệp với khoảng 1.000 lao động) vì đây cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng lớn. Đối với các hộ nuôi thủy hải sản không có đơn giá như mua giống, thức ăn khó thống kê. Nhiều người dân tham gia hoạt động du lịch, nhưng chưa thuộc các đối tượng hỗ trợ...
Hà Tĩnh đề xuất trung ương bổ sung các cơ sở thu mua tạm trữ có kho đông, kho lạnh không thuộc các xã ven biển, trực tiếp thu mua hải sản tại các cảng cá, bến cá của địa phương; Chủ tàu và người lao động trên tàu khai thác thủy sản trong đầm phá; chủ các cửa hàng ăn uống phục vụ khách du lịch có địa điểm kinh doanh tại các xã, phường, thị trấn ven biển bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển; lao động làm việc trong các cửa hàng ăn uống phục vụ khách du lịch…
Đặc biệt các tỉnh đều có chung kiến nghị thường xuyên giám sát hoạt động của Công ty Formosa và công bố rộng rãi cho người dân được biết.