Tiền đề để triển khai thương mại hóa 5G trên toàn quốc
Chiều ngày 8/4/2024, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành thông tin và truyền thông trong tháng 3/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới; đồng thời, trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành thông tin và truyền thông đang được báo chí và dư luận quan tâm.
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo chiều 8/4 |
Trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 971.197 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 23,3% so với kế hoạch năm (4.171.172 tỷ đồng); nộp ngân sách nhà nước ước đạt 23.118 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 22,8% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng).
Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định quy định về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia (12/TTr-BTTTT 05/3/2024).
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 02/2024/TT-BTTTT ngày 29/3/2024 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.
Việc ban hành thông tư đã góp phần đồng bộ quy chuẩn Việt Nam áp dụng cho quản lý thiết bị trạm gốc 5G phù hợp với năng lực đo kiểm; đảm bảo quản lý trong bối cảnh Việt Nam triển khai thương mại 5G diện rộng.
Đồng thời, đồng bộ quản lý chất lượng thiết bị thông tin vô tuyến với năng lực đo kiểm thực tiễn; đảm bảo quản lý an toàn các thiết bị thông tin hàng hải, vệ tinh... Sửa đổi, bổ sung các quy định về áp dụng quy chuẩn Việt Nam, quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 để triển khai thực thi bài bản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu.
Đặc biệt, tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện với các khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz) và khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz), thu về cho ngân sách nhà nước hơn 10 ngàn tỷ đồng.
Việc đấu giá thành công là điều kiện cần thiết, tiền đề để triển khai thương mại hóa 5G trên toàn quốc trong năm 2024, cụ thể hóa mục tiêu phổ cập hạ tầng số quốc gia, thúc đẩy phát triển các ứng dụng số và hệ sinh thái dịch vụ số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.
Xem xét cấp giấy phép sử dụng băng tần theo quy định
Thông tin về kết quả các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thực hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, trong tháng 3/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá băng tần cho 4G/5G.
Ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông |
Kết quả là: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với giá 7.533.257.500.000 đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) với giá 2.581.892.500.000 đồng.
Riêng khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), do chỉ có 01 doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá, theo quy định tại Khoản 1 Điều 52, Điều 59 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định, nên cuộc đấu giá khối băng tần C3 không thành.
“Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức đấu giá thành công sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua. Việc đấu giá thành công lần này không chỉ khẳng định Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi và Nghị định số 63/2023/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống mà còn cho thấy sư tham gia nghiêm túc của các doanh nghiệp và tính khách quan, minh bạch của cuộc đấu giá” - ông Lê Văn Tuấn cho hay.
Ông Tuấn cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt kết quả trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) tại Quyết định số 367/QĐ-BTTTT ngày 22/3/2024 và khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) tại Quyết định số 396/QĐ-BTTTT ngày 27/3/2024.
Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông đã có thông báo về việc nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; thông báo phí, lệ phí tần số vô tuyến điện; phí cấp phép hoạt động viễn thông, phí quyền hoạt động viễn thông gửi các doanh nghiệp trúng đấu giá.
Tính đến ngày 8/4/2024, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã hoàn thành nghĩa vụ nộp các khoản tài chính theo quy định. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hiện đang làm các thủ tục thanh toán, dự kiến ngày 09/4/2024 sẽ hoàn tất các nghĩa vụ này.
“Sau khi các doanh nghiệp trúng đấu giá nộp tiền trúng đấu giá theo quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét cấp giấy phép sử dụng băng tần theo quy định” - ông Tuấn nói.