Cố vấn JICA: Để trở thành nước có thu nhập cao, Việt Nam có thể tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao và phát triển hiện đại vào năm 2045. Để Việt Nam có thể tránh “bẫy thu nhập trung bình”, tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao và phát triển hiện đại vào năm 2045, việc nâng cao năng suất lao động, tạo giá trị gia tăng sẽ là yếu tố quan trọng.
Hơn nữa, Việt Nam cần chuyển từ mô hình dựa vào chi phí lao động giá rẻ, tiếp nhận công nghệ và cơ sở hạ tầng từ nước ngoài, cấu trúc ngành công nghiệp định hướng bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sang chiến lược đổi mới sáng tạo dựa vào các nguồn lực trong nước.
Cố vấn cao cấp của JICA: Để trở thành nước có thu nhập cao, Việt Nam có thể tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài. Ảnh: Thủy Trần |
Đây là nhận định được ông Funabashi Gaku, phó giáo sư tại Đại học Quốc tế Nhật Bản (IUJ), cố vấn cao cấp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - đưa ra trong buổi thuyết trình với chủ đề "Phát triển công nghiệp - Kinh nghiệm từ Nhật Bản và các quốc gia khác" tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Ngoại giao, diễn ra ngày 9-10/12.
Lấy ngành /chu-de/cong-nghiep-ban-dan.topic, với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vào năm 2030 của Chính phủ Việt Nam làm ví dụ, phó giáo sư Funabashi chỉ ra quá trình phát triển, đặc điểm cùng những bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Ông khẳng định rằng, việc phát triển công nghệ có thể bắt đầu từ việc bắt chước và quá trình liên tục nghiên cứu phát triển, đầu tư.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xác định thị trường rõ ràng và xây dựng chiến lược dựa trên các nguồn lực và thế mạnh sẵn có, cùng sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ có liên quan.
Phó giáo sư Funabashi chia sẻ kinh nghiệm quản lý kiểu Nhật, ví dụ từ ngành công nghiệp ôtô, như việc thu thập thông tin và ý kiến từ nhiều bên liên quan, phản hồi góp ý tới cơ sở sản xuất, thử nghiệm phát triển công nghệ, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan như sản xuất, nghiên cứu phát triển và tiếp cận thị trường (marketing). Nhờ cách thức quản lý đó, các công ty có thể tích lũy được các tài nguyên hữu hình và vô hình, việc phát huy các vốn sẵn có này kết hợp với các nguồn lực khác đã và đang đóng góp vào sự phát triển của toàn bộ ngành công nghiệp.
Chuyến công tác của phó giáo sư Funabashi nằm trong khuôn khổ chương trình “JICA Chair” được JICA triển khai từ năm 2020, với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và bài học từ công cuộc hiện đại hóa của Nhật Bản và sự hợp tác phát triển với các quốc gia đang phát triển.
Chương trình này được thực hiện ở các trường đại học và tổ chức nghiên cứu hàng đầu tại các quốc gia đối tác. Tại Việt Nam, chương trình đã được triển khai từ năm 2021, thông qua việc mời các nhà nghiên cứu nổi tiếng của Nhật Bản tổ chức các bài thuyết trình đặc biệt, hội thảo và trao tặng sách tại các trường đại học và tổ chức nghiên cứu quan tâm đến nghiên cứu Nhật Bản.