Thứ năm 28/11/2024 14:56

Cổ phiếu HVN 'cất cánh': Giá trị phản ánh sự chuyển mình của Vietnam Airlines

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đang là tâm điểm thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư, hoàn toàn phù hợp với những thành tựu và nỗ lực mà họ đã và đang thực hiện.

Vượt qua giông bão

Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) sau những năm tháng khó khăn vì đại dịch, đang bước vào giai đoạn chuyển mình quan trọng. Hãng bay quốc gia vừa có quý thứ ba liên tiếp có lãi với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 860 tỷ đồng (quý III năm ngoái lỗ 2.200 tỷ đồng), nhờ lượng khách lớn giữa bối cảnh cao điểm du lịch hè, cùng nỗ lực tiết giảm tối đa các loại chi phí.

So với thời điểm dịch bệnh bủa vây, Vietnam Airlines tới nay phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế và mở mới nhiều đường bay, gần nhất là chặng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tới Munich (Đức). Điều đó mở ra nhiều kỳ vọng lớn cho hãng hàng không này, tuy nhiên, kết quả tích cực đó chưa đủ xóa tan những khó khăn, thiệt hại mà hậu quả do đại dịch Covid-19 để lại.

Chỉ tính riêng tháng 11, cổ phiếu HVN đã tăng mạnh hơn 35% từ vùng 20.000 đồng lên 27.350 đồng/cổ phiếu (kết phiên giao dịch 27/11). Ảnh: Vietnam Airlines

Vốn chủ sở hữu hợp nhất của Vietnam Airlines tính đến ngày 30/9/2024 vẫn âm 11.086 tỷ đồng, giảm lỗ khoảng 6.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Có thể đánh giá, các chỉ tiêu hoạt động tài chính của Vietnam Airlines chưa trở lại ngưỡng an toàn, đánh giá xếp hạng rủi ro còn tương đối cao, và cũng là thách thức lớn nhất dành cho họ vì sẽ tạo rào cản hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn lực kinh tế - xã hội nhằm tăng cường năng lực tài chính cho doanh nghiệp.

Song, với vai trò tiên phong và dẫn dắt cả hệ sinh thái ngành hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines đã và đang chuyên tâm, dốc sức tìm kiếm các giải pháp xử lý những vấn đề tồn động. Gần đây, Ban lãnh đạo đã hoàn thành Đề án Tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, hướng tới sự phục hồi và phát triển bền vững trong giai đoạn 2021 - 2035 và gửi lên các cấp có thẩm quyền.

Trọng tâm trong đó là giải quyết bài toán âm vốn chủ sở hữu hợp nhất trong năm 2025, thông qua phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của Vietnam Airlines. Hãng bay quốc gia đề xuất cấp có thẩm quyền giao các đơn vị nhà nước (SCIC, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước) có tiềm lực tài chính thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu theo phương thức chuyển giao quyền mua.

Số vốn đề xuất huy động là 22.000 tỷ đồng (tương đương 870 triệu USD), giúp Vietnam Airlines xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng phát sinh từ đại dịch và đặt nền móng cho sự phát triển dài hạn. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (từ chiều 25/11), Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn này cho Vietnam Airlines với mục tiêu sớm đưa hãng bay phục hồi và hướng tới phát triển bền vững.

Sẵn sàng cất cánh

Trước đó, với vai trò chủ sở hữu nhà nước, Vietnam Airlines đã nhận được cơ chế của gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng từ Chính phủ. Trong đó 4.000 tỷ đồng vay tái cấp vốn và phương án phát hành tăng vốn điều lệ quy mô 8.000 tỷ đồng.

"Những hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã góp phần duy trì hoạt động liên tục cho hãng trong thời điểm hệ lụy nặng nề của đại dịch Covid-19 và đảm bảo có dòng tiền phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh", Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa bày tỏ và nhận định: "Với sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, và những nỗ lực tự thân của hãng, hoạt động của Vietnam Airlines đã được cải thiện, thời điểm khó nhất của ngành hàng không cũng như của hãng đã đi qua".

Dẫn chứng về những nỗ lực tự thân, Vietnam Airlines đã thực hiện hàng loạt giải pháp được đánh giá cao, như tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, nhân lực; nâng cao chất lượng dịch vụ; triển khai tiết kiệm chi phí và quản trị dòng tiền. Kết quả, Vietnam Airlines tiết kiệm thành công hơn 44.500 tỷ đồng trong 3 năm qua và kết quả kinh doanh cũng trở nên tích cực trông thấy trong năm nay.

Những bước tiến chiến lược của Vietnam Airlines đã tạo tín hiệu tích cực trên thị trường chứng khoán. Được đánh giá cao bởi giới đầu tư, cổ phiếu HVN của hãng hàng không quốc gia ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể về giá trị, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi và phát triển của doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng tháng 11, cổ phiếu HVN đã tăng mạnh hơn 35% từ vùng 20.000 đồng lên 27.350 đồng/cổ phiếu (kết phiên giao dịch 27/11). Đây là mức tăng mạnh trong nhóm top đầu cổ phiếu vốn hóa lớn, bỏ xa mức tăng trưởng chung của thị trường. Cùng thời điểm, thanh khoản trung bình mỗi phiên cũng tăng gấp đôi, lên mức 3,7 triệu đơn vị.

Các chuyên gia phân tích đánh giá, việc cổ phiếu HVN đang là tâm điểm thu hút dòng vốn từ cả nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế là hoàn toàn phù hợp với những thành tựu và nỗ lực mà hãng hàng không quốc gia đã và đang thực hiện.

Một mức giá cao hơn trong tương lai dành cho cổ phiếu HVN là hoàn toàn khả thi, khi chiến lược tái cấu trúc phát huy hiệu quả tối đa dựa trên nền tảng quan trọng của Vietnam Airlines là sở hữu mạng lưới bay rộng lớn, đội tàu bay hiệu đại, sẵn sàng tận dụng triệt để những cơ hội phát triển, đặc biệt trong bối cảnh ngành hàng không đang hồi phục mạnh mẽ trên toàn cầu.

Vietnam Airlines giúp Việt Nam mở rộng 'biên giới mềm'

Vietnam Airlines liên tục phát triển đường bay trong nước và quốc tế, tổ chức sự kiện quảng bá nhằm góp phần mở rộng "biên giới mềm".

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines khẳng định hãng nhận thức rõ "máy bay Vietnam Airlines bay đến đâu 'biên giới mềm' mở rộng đến đấy". Biên giới mềm là khái niệm được sử dụng trong bối cảnh toàn cầu hóa nhằm chỉ ranh giới vô hình giữa các quốc gia, không phụ thuộc vào địa lý, được xác định thông qua sức ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa, chính trị, khoa học kỹ thuật và xã hội.

Đây là vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước và hãng hàng không quốc gia. Tính đến cuối năm nay, Vietnam Airlines khai thác 91 đường bay, trong đó 57 đường bay quốc tế và 34 đường bay nội địa, tới 54 điểm đến, gồm: 32 điểm quốc tế và 22 điểm nội địa. Ngoài ra, là thành viên trong liên minh hàng không Sky Team, Vietnam Airlines hợp tác với nhiều hãng hàng không khác để mở rộng mạng bay kết nối trên 1.000 điểm đến trên toàn cầu.

Hiện, đơn vị cũng là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam khai thác các đường bay tới châu Âu và có đường bay thẳng tới châu Mỹ. Vietnam Airlines đang nghiên cứu mở thêm các đường bay đến các điểm bay khác như: Copenhagen (Đan Mạch), Los Angele và Seattle (Mỹ), Vancouver (Canada), Darwin (Australia), Dubai (UAE), Bangalore (Ấn Độ), Dhaka (Bangladesh)...

Ngọc Anh
Bài viết cùng chủ đề: Hàng không Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): chi trả hơn 745 tỷ đồng cổ tức bằng tiền trong tháng 12/2024

Lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ‘nóng’

Kỳ vọng thị trường M&A được kích hoạt mạnh mẽ trong năm 2025

Đề xuất hỗ trợ các dự án 'nâu' tiếp cận tài chính xanh để chuyển đổi sang dự án 'xanh'

Cổ đông ngân hàng đón tin vui dịp cuối năm

'Bệ phóng' tài chính xanh: Đưa Việt Nam đến tăng trưởng bền vững

NCB tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên gần 11.800 tỷ đồng

Thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam

Tổng thuật: Tọa đàm 'Thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam'

Phối hợp đảm bảo an ninh an toàn lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, tài chính quốc gia

Thống đốc Ngân hàng giao nhiệm vụ cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn mới

Sắp diễn ra tọa đàm 'Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam'

Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai tăng trần sau tin bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại

Thúc đẩy tài chính xanh sẽ là "con đường" cho mục tiêu Net Zero

Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Phương án nào là phù hợp?

Việc sửa đổi Biểu thuế thu nhập cá nhân sẽ được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng

LPBank ra mắt giải pháp ưu việt 'Tài khoản sinh lời lộc phát'

Đầu tư bền vững: Bảo vệ tương lai từ những quyết định hôm nay của bạn

Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia: Cần phương án hài hòa để đạt được các mục tiêu