Có nên cho phép nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vàng?
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo bình ổn thị trường vàng. Những nỗ lực đó đã mang lại không ít kết quả tích cực, mà nổi bật nhất chính là việc giá vàng SJC đang tiệm cận giá vàng thế giới. Thế nhưng, tình trạng khan hiếm ngày càng trở nên nặng nề hơn, từ đó đặt ra yêu cầu phải có biện pháp tổng thể. Theo các chuyên gia, một trong số đó là cho phép nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vàng.
Nỗ lực ổn định thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước có hiệu quả
Ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trả lời chất vấn trước Quốc hội. Công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất.
Đại biểu Lưu Văn Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, đề nghị Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện Thông báo số 160 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp bàn về các giải pháp quản lý thị trường vàng như thế nào?
Trả lời đại biểu Lưu Văn Đức, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng đưa ra thông tin từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng Việt Nam tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Nhưng từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao, theo đó, giá vàng trong nước cũng diễn biến tăng cao.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp thị trường. Từ tháng 6/2024, giá vàng thế giới lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước tăng cao nên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt.
Biện pháp được đưa ra là tổ chức đấu thầu với 9 phiên được thực hiện. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang phương án bán vàng SJC trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.
“Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15 - 18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3 - 4 triệu/lượng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Có nên cho phép nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vàng? |
Thị trường vàng vẫn khan hiếm
Như vậy, có thể thấy, một trong những bất ổn lớn nhất của thị trường đã được giải quyết. Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - nhận định: “Thành quả này mới được 50%, 50% còn lại không được vì không có nguồn cung”.
Ông Hiếu lý giải, trước đây, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm vượt 20 triệu đồng/lượng. Hiện tại, mức chênh này chỉ còn 3 - 4 triệu đồng/lượng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ người muốn mua thì không mua được hoặc mua nhỏ giọt, hạn chế. Nhu cầu của người dân là rất lớn nhưng thị trường không đáng ứng được nên đây chỉ là thành quả 50%.
Trong tháng 10, nhiều người dân phản ánh gần như không thể mua vàng miếng từ các ngân hàng và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC). Tại một số địa điểm khác, khách hàng chỉ được mua theo số lượng hạn chế nhất định. Để có thể giao dịch được, người dân phải tìm đến “chợ đen”, nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Anh Lâm Tú (Hà Nội) cho biết, cách đây hơn 2 tháng, anh mua được 10 lượng vàng. Sau đó, việc mua bán rất khó khăn nên anh nghe theo lời khuyên của bạn bè, tham gia những group về trao đổi vàng.
Theo anh Tú, group anh tham gia rất sôi động, với lệnh đặt mua bán khá lớn, trong đó chủ yếu là lệnh bán. Tuy nhiên, dù đã tham gia group khá lâu nhưng anh vẫn chưa dám mua vì lo “không đúng luật” và hàng chất lượng kém.
“Mua vàng trong các cửa hàng lớn, tôi hoàn toàn yên tâm. Nhưng mua trên mạng, làm sao tôi biết đó là vàng thật, lỡ đâu kẻ gian lợi dụng tình trạng khan hiếm để bán hàng giả thì sao”, anh Tú lo ngại.
Nhập khẩu vàng để tăng cung
Để giải quyết trình trạng khan hiếm trên thị trường vàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần tìm cách tăng cung.
Ông Hiếu ủng hộ quan điểm cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng khi mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và ổn định thị trường nhưng cũng phải dựa trên các cơ sở khoa học để tránh ảnh hưởng tới tỷ giá, ngoại hối. Khi nguồn cung dồi dào, khách hàng là người được hưởng lợi nhiều nhất vì nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu nên họ không phải giao dịch trên “chợ đen” tiềm ẩn nhiều rủi ro như hàng kém chất lượng.
Để nhập khẩu vàng, TS. Hiếu “hiến kế”, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán lượng ngoại hối. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước giao quota cho các nhà kinh doanh vàng, cho phép họ nhập khẩu theo quota Ngân hàng Nhà nước ấn định. Điều này đã thực hiện trong quá khứ.
Cũng tại phiên chất vấn diễn ra trong ngày 11/11, chỉ rõ diễn biến vàng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng.