Chủ nhật 22/12/2024 18:42

Cơ hội kết nối giao thương nông lâm thủy sản với Hà Nội

Theo thống kê, Hà Nội mới tự sản xuất, cung ứng được 30-65% nhu cầu nông sản, do đó, Hà Nội mong muốn các tỉnh, TP phối hợp để triển khai kế hoạch phục vụ Tết và triển khai kết nối cung cầu nông sản; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn thành phố.

Ngày 23/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND TP. Hà Nội và UBND 40 tỉnh, TP phối hợp tổ chức Diễn đàn "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, TP" với sự tham gia của 600 đại biểu của 41 tỉnh, TP; đại diện các cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT; các nhà cung cấp và thu mua nông sản.

Nhu cầu kết nối với các địa phương là rất lớn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Quyền- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội- cho biết, Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp khoảng 189 nghìn ha, chiếm 56% tổng diện tích đất tự nhiên, tuy nhiên nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu Hà Nội tự sản xuất và cung ứng chỉ đáp ứng từ 30-65% nhu cầu. Lượng hàng hóa còn thiếu được doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, thương lái... kết nối, khai thác từ các tỉnh, TP thông qua hoạt động giới thiệu kết nối nguồn hàng nông, lâm, thủy sản, trái cây an toàn...

Ông Nguyễn Mạnh Quyền- Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại đầu cầu Hà Nội

Trong 10 tháng đầu năm 2021, kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, TP trên 220.000 tấn. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, TP đã được kết nối đưa vào 35 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của TP Hà Nội; các đơn vị đẩy mạnh bán hàng hóa thiết yếu qua các website thương mại điện tử, hotline doanh nghiệp...

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn các tỉnh, TP tại thị trường Hà Nội, TP sẽ nghiên cứu, triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn TP...

Đề dẫn về nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông lâm tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan- quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu phục vụ 10,3 triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn TP một tháng như sau: Gạo 92.970 tấn (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 65,6% nhu cầu); thịt lợn hơi: 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu); thịt bò 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng 1.032 tấn, đáp ứng 19,3% nhu cầu); thịt gia cầm 6.198 tấn (khả năng tự cung ứng 10.671 tấn); rau củ 103.300 tấn (khả năng tự cung ứng 67.299 tấn, đáp ứng 65,1% nhu cầu); trái cây: 52.000 tấn (khả năng tự cung ứng 15.000 tấn, đáp ứng 28,8% nhu cầu); trứng gia cầm 123,9 triệu quả (khả năng tự cung ứng 117 triệu quả, đáp ứng 94,2% nhu cầu)….

Diễn đàn "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố"

Bà Trần Thị Phương Lan cũng cho biết, một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, gia cầm, thuỷ cầm, thuỷ hải sản hiện nay giá xuống quá thấp, người dân không mặn mà tái đàn, do đó Sở Công thương Hà Nội dự báo nguồn cung các sản phẩm này sẽ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Hà Nội mong muốn Sở NN&PTNT các tỉnh, TP phối hợp để triển khai kế hoạch phục vụ Tết và triển khai kết nối cung cầu nông sản; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội. “Hà Nội cũng sẵn sàng phối hợp để kết nối nông sản của các tỉnh, TP trên cả nước với các kênh siêu thị nước ngoài như MM Mega Market, BigC, Aeon Mall... Đồng thời, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 trang website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu”, bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ.

Địa phương mong muốn có chương trình cụ thể về sản phẩm để mở rộng thị trường

Tại Diễn đàn, các địa phương cũng đã đề xuất các hoạt động kết nối, đưa nông sản, trái cây, tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Bà Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn- cho hay, 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh Bắc Kạn đã sản xuất số lượng lớn nông sản đặc sản địa phương như bí xanh, măng khô, miến dong… TP. Hà Nội đã hỗ trợ Bắc Kạn tiêu thụ gần 700 tấn bí xanh thơm. Sắp tới địa phương có 25.000 tấn cam quýt và 2.000 tấn miến dong cần tiêu thụ từ hiện tại cho đến Tết Nguyên đán. Vì vậy, tỉnh Bắc Kạn mong muốn có những chương trình làm việc cụ thể với Hà Nội để trao đổi thông tin yêu cầu cụ thể về sản phẩm để mở rộng thị trường.

Ngành Công Thương Hà Nội: Sáng tạo, linh hoạt kết nối tiêu thụ nông sản mùa dịch

Khẳng định, thị trường quyết định sản xuất, ông Vương Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng- cho hay, nếu người nông dân không tiêu thụ được sản phẩm, phải "giải cứu" thì không phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Sóc Trăng xác định thế mạnh là nuôi trồng thuỷ sản, lúa gạo và cây ăn trái. Đặc biệt, diện tích nuôi tôm nước lợ áp dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh khoảng 51.000ha. Diện tích trồng cây ăn trái khoảng 28.000ha, chủ yếu là xoài, nhãn và vú sữa. Có 139 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao (gạo ST24). Do đó, ông Vương Quốc Nam đề nghị các địa phương và Hà Nội có sự liên kết, hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để tiêu thụ nông sản cho Sóc Trăng. Đồng thời, Bộ NN&PTNT giữ vai trò điều phối, chỉ đạo để xây dựng liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương như Kiên Giang, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Hải Dương…. cũng đưa ra những đề xuất kết nối tiêu thụ nông sản, trái cây với Hà Nội. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp thu mua, phân phối cũng đưa ra nhu cầu, số lượng cụ thể thu mua, tiêu thụ trái cây, nông sản, đặc biệt là nông sản tươi và các sản phẩm chế biến để tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều địa phương có hiện tượng dư thừa, ùn ứ nông sản trong khi không ít nhà máy, doanh nghiệp lại thiếu nguyên liệu. Các nhà thu mua không đủ dữ liệu thông tin về các mặt hàng nông sản, sản lượng, thời điểm thu hoạch, địa điểm, tiêu chuẩn chất lượng, đầu mối cung cấp để liên hệ thu mua. Do đó, về lâu dài các địa phương cần có sự liên kết vùng để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, không để xảy ra tình trạng chỗ thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart)- thông tin, những sản phẩm đặc sản vùng miền của Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng có nhiều ưu thế khi xuất hiện tại thị trường quốc tế và được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, sản phẩm của Việt Nam nhiều nhưng vẫn còn rất yếu về mẫu mã cũng như chất lượng để có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần những thông tin cụ thể về số lượng hàng hóa tại các địa phương.

Lễ ký kết giữa Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội

Đánh giá cao những sản phẩm đặc sản, đặc hữu của các địa phương, ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các đầu mối cung ứng cung cấp những thông tin cụ thể số lượng hàng hóa tới các tỉnh cũng như Hà Nội để liên kết các đầu mối cung cầu. Ngoài ra, nông sản, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. An toàn thực phẩm là vấn đề chính để thực hiện liên kết vùng, là vấn đề số 1 để đảm bảo chất lượng nguồn hàng.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình hợp tác “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, TP giai đoạn 2021- 2025”. Ông Trần Thanh Nam cho hay, đây là liên kết vùng phía Bắc về an toàn thực phẩm, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Sắp tới, Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với TP Cần Thơ để tổ phối hợp tổ chức liên kết vùng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp đến, Bộ cũng sẽ phối hợp với TP.Hồ Chí Minh về Chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản giao thương giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, TP.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc, cán cân thương mại được cải thiện

Nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia

Thương mại biên giới: Bước chuyển tích cực

Đủ điện cho phục hồi kinh tế năm 2022

Lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế, doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Doanh nghiệp đảm bảo vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn

Xuất khẩu gạo: Kỳ vọng nào cho cuối năm?

Đảm bảo lợi ích ngành mía đường trong nước

Tưng bừng các hoạt động “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnightsale”

Ứng phó hiệu quả, đảm bảo xuất khẩu bền vững

Gỡ “nút thắt” thúc đẩy năng lượng tái tạo

Khởi động ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday lớn nhất năm

Xây dựng luật phát triển công nghiệp: Không nhanh sẽ lỡ nhịp

Quyết định tổ chức “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2021”

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Địa phương giữ vai trò quan trọng

Hơn 100 gian hàng tham gia tại Tuần hàng Việt huyện Ba Vì 2021

Đưa nông sản Bắc Kạn lên sàn thương mại điện tử

Tăng tốc các hoạt động xúc tiến thương mại dịp cuối năm

Từ câu chuyện vận chuyển vải thiều đến logistics cho nông sản

Bộ Công Thương nêu loạt giải pháp giải quyết ùn tắc tại cảng biển