Thứ ba 26/11/2024 21:26

Cơ giới hóa nông nghiệp: Lực đẩy gia tăng giá trị nông sản xuất khẩu

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù, xuất khẩu nông sản tươi cũng rất cần thiết, nhưng chế biến sâu là hướng đi quan trọng để chúng ta chủ động với thị trường toàn cầu, hay giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá”.    

Nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp

Tại Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp” diễn ra sáng nay (21/2), ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm đã được hình thành; Hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản có trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 5-7%/năm. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD, xuất khẩu tới hơn 186 nước và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT thừa nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm (chiếm trên 70%) với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp (chè, cao su, sắn); hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 - 1/3 mức tối thiểu của các nước khác). Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu.

Nhìn nhận thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam trung bình đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4 HP/ha), Trung Quốc (8 HA/ha). “Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Máy nông nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng gần 30% thị phần, 60% là máy nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là Nhật Bản và Hàn Quốc”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra nguyên nhân tình trạng công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp còn hạn chế. Cụ thể, quy mô thị trường chưa thuận lợi cho việc phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp cũng như chuyên môn hóa công nghiệp chế biến thực phẩm; Công tác nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ trong công nghiệp chế biến thực phẩm chưa phát triển, do đó giá trị hàng nông sản chế biến còn rất thấp. Đáng chú ý, giá thành các sản phẩm cơ khí nông nghiệp còn cao do công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí kém phát triển, do vậy các sản phẩm cơ khí nông nghiệp trong nước khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.

Kiến nghị, đề xuất cụ thể

Chỉ ra những bất cập, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam cho biết: Ngành cơ khí chế tạo phụ trợ phục vụ cho chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp vẫn còn rất yếu. Các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp gần như không mặn mà với việc đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và chế biến của ngành nông nghiệp, do đó hầu hết các trang thiết bị ngành nông nghiệp vẫn phải nhập khẩu…

Ông Hòa kiến nghị tới đây, Chính phủ cần có một Nghị định riêng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến có liên kết với nông dân trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay phục vụ cho cơ giới hóa cũng như thiết bị chế biến, được hưởng lãi suất vốn vay ưu đãi, thậm chí bằng 0%. Các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp cũng cần được hỗ trợ với nhiều chính sách cả về vốn vay, đất đai, đầu tư, đào tạo…

Về phía Hiệp hội thủy sản (VASEP), ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký cho biết, 20 năm trước, thủy sản đã đi trước để xâm nhập thị trường EU từ 1995-1999. Năm 1999, Việt Nam được vào danh sách xuất khẩu vào châu Âu với 19 doanh nghiệp đầu tiên, từ đó kéo theo đầu tư cho công nghệ, thiết bị để đảm bảo yêu cầu của thị trường. Lĩnh vực chế biến là trung tâm để kéo cả chuỗi sản xuất. Đến nay, có 559 nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, lớn gấp 30 lần so với cách đây 20 năm.

Tuy nhiên, ông Nam chỉ ra những nút thắt mà hiện nay ngành thủy sản đang gặp phải và cần được tháo gỡ: Nguyên liệu phục vụ việc chế biến còn thiếu. Bên cạnh đó, giá thành nguyên liệu của Việt Nam còn cao hơn so với 1 số nước sản xuất cạnh tranh với nước ta như Ấn Độ, Thái Lan từ 10 đến 20%. Về vấn đề liên kết, ngành thủy sản còn thiếu một “nhạc trưởng” để chỉ huy và đây là một nút thắt trọng tâm.

Lãnh đạo VASEP kiến nghị, cần chính sách tích tụ đất đai để tạo ra sản xuất lớn. Bên cạnh đó, ngành cũng mong muốn Chính phủ chỉ đạo ngân hàng nhà nước xem xét và đánh giá lại để có chính sách “cởi mở” hơn với lĩnh vực nông nghiệp.

Dưới góc độ địa phương, ông Lò Minh Hùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng kiến nghị một số vấn đề cụ thể tại địa phương để thu hút các doanh nghiệp và đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Tỉnh Sơn La mong muốn Chính phủ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp tại địa phương. “Cụ thể, kiến nghị Chính phủ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, từ đó giảm được chi phí vận tải và thu hút các doanh nghiệp đến với các tỉnh miền núi như Sơn La. Hỗ trợ các tỉnh chưa cân đối được ngân sách như Sơn La để đầu tư khu công nghiệp, phát triển lĩnh vực chế biến nông sản”- ông Lò Minh Hùng đề xuất.

Nêu quan điểm ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương- Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải cho biết, thời gian qua, nông nghiệp đã phát triển tốt nhưng đã đến lúc cần xem xét để cơ cấu lại mà chủ yếu là thị trường hội nhập kinh tế thế giới. Nông nghiệp phải phát triển theo 2 hướng: Quy mô lớn và ứng dụng công nghệ phù hợp, tổ chức sản xuất với chất lượng ổn định.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn TH cũng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam cần có thay đổi về mặt tư duy. Đó là sự đột phá, không đi theo lối mòn cũ. Muốn bán được hàng phải có thương hiệu, phải có cơ chế chính sách về văn hóa doanh nhân. “Bây giờ khích lệ cụ thể phải vào sản phẩm, khi đưa ra được bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, thông lệ quốc tế thì chất lượng sản phẩm sẽ đi theo con đường phát triển bền vững”- lãnh đạo Tập đoàn TH kỳ vọng.

Bộ Công Thương tập trung vào cơ giới hoá nông nghiệp

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu; đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Theo đó, cần đa dạng hóa thị trường nhất là phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường “ngách”, trong đó quan tâm đặc biệt đến thị trường trọng tâm, trọng điểm của nông sản Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải gợi mở, cần tái cấu trúc, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung với từng loại sản phẩm gắn với sự hình thành và phát triển của các nhà máy chế biến; phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo hướng đồng bộ từ sản xuất đến chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Trọng tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí phục vụ nông nghiệp để giảm giá thành sản xuất trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc vùng nguyên liệu gắn với sự hình thành và phát triển của các nhà máy chế biến; nghiên cứu cơ chế tích tụ đất đai phục vụ sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu số lượng, chất lượng cho các nhà máy chế biến; triển khai, thực thi có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm các chính sách hỗ trợ về vốn để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng lĩnh vực sản xuất.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng cũng nhất trí với ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi cũng rất cần thiết, nhưng chế biến sâu là hướng đi quan trọng để chúng ta chủ động với thị trường toàn cầu, hay giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá”. “Việt Nam ở đâu cũng có sản phẩm nông nghiệp, cũng có đặc sản. Cho nên vấn đề tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường là điều rất quan trọng”- Thủ tướng gợi mở.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thị trường nội địa trong thời gian tới, đây được xem là ưu tiên hàng đầu để nhân dân có nông thủy sản sạch, có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cần xây dựng thương hiệu nông sản, từ đó có thể quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn, “chứ bây giờ làm nhỏ lẻ thì không ăn thua, bởi muốn vào siêu thị lớn, trung tâm lớn, xuất khẩu lớn thì quy hoạch vùng nguyên liệu rất quan trọng”. Do đó, Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến góp ý về chính sách tích tụ ruộng đất và cho biết, sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một nghị quyết về chính sách đất đai trong nông nghiệp.

Để bảo đảm triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030 và Đề án phát triển 3 ngành chế biến để phấn đầu đứng trong tốp 5 nước hàng đầu thế giới về: Chế biến rau, củ, quả; thủy, hải sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ; trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013.

Đối với Bộ Công Thương triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông lâm ngư nghiệp thuộc danh mục ưu tiên đầu tư phát triển… “Quan trọng là tập trung thực hiện Chương trình cơ khí trọng điểm tập trung một số dự án phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch; xây dựng đề án, kế hoạch phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, phân phối sản phẩm”- Thủ tướng lưu ý.

Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã trong lĩnh vực nâng cấp công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá về năng lực của ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là ưu đãi các doanh nghiệp, dự án đầu tư chế biến nông lâm thủy sản, cơ giới hóa nông nghiệp.

Cuối cùng, UBND các tỉnh, thành phố, bên cạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, phải chủ động xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn một cách thực chất và hiệu quả hơn.

Lan Anh

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Doanh nghiệp Việt Nam, Đan Mạch cùng tạo nên những thương hiệu quốc tế chung

Bộ trưởng Công an lý giải nguyên nhân nhiều người vi phạm giao thông

Từ việc kênh Youtube Quang Linh Vlog bị chiếm đoạt, đại biểu Quốc hội lo ngại xu hướng tội phạm mạng

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình họp với 3 bộ, 8 địa phương về cải cách thủ tục hành chính

60% khiếu nại liên quan đến đất đai đến từ người dân vùng nông thôn, miền núi

Hoạt động của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang tại Campuchia

Khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai có chiều hướng gia tăng

Sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới

Tội phạm đánh bạc trên mạng Internet tăng cao

Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 nhóm tăng cường hợp tác với Bulgaria

Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Lào-Campuchia: Biểu tượng đoàn kết khu vực

Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm trường mầm non Việt-Bun

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử