Gia tăng chế biến sâu: ‘Nâng tầm’ giá trị nông sản cho bà con vùng cao Bắc Ninh: Đa dạng hóa kênh tiêu thụ nông sản theo hướng hiện đại và bền vững |
Đẩy mạnh liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm
Giới chuyên gia nhận định, với đà tăng trưởng như 3 quý vừa qua, mục tiêu 55 tỷ hoàn toàn đạt được, thậm chí có thể kỳ vọng đạt mốc 58 - 60 tỷ USD trong năm 2024.
Để đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới, thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị, đồng hành với người dân nâng cao năng lực chế biến, tạo dựng uy tín thương hiệu, từng bước đưa nông sản có đầu ra ổn định, xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính...
Nông sản Việt chinh phục thị trường thế giới bằng uy tín thương hiệu. Ảnh: Đức Thụy |
Câu chuyện tại tỉnh Sơn La là điển hình, hiện toàn tỉnh có 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản. Mỗi doanh nghiệp có chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị.
Ví dụ tại Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La, công ty đang liên kết với hơn 1.600 hộ dân trên địa bàn các xã của huyện Mai Sơn và TP. Sơn La trồng trên 2.000 ha cà phê có chứng nhận RA - chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững. Đây là cơ sở, đảm bảo chất lượng cho thương hiệu Blue Sơn La được thị trường cà phê thế giới đón nhận. Niên vụ 2024-2025, công ty dự kiến thu mua 12.500 tấn quả cà phê tươi, sản xuất 3.500 tấn cà phê nhân phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Còn với Hợp tác xã Ara-tay coffee (xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn), từ khi thành lập năm 2020 đến nay, các thành viên hợp tác xã và hơn 300 nông hộ liên kết đã lựa chọn sản xuất dòng cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao. Đặc biệt, hợp tác xã đã xây dựng thương hiệu sản phẩm cà phê bằng câu chuyện, hình ảnh về con người Sơn La, Tây Bắc.
Chị Cầm Thị Mòn - Giám đốc Hợp tác xã Ara-tay coffee giới thiệu: Hợp tác xã chọn tên là Ara-tay Coffee, “ara” là viết tắt của Arabica, “tay” có nghĩa là người Thái, là bàn tay nâng niu của người phụ nữ, là Tây Bắc... Thiên nhiên, khí hậu ưu ái cho Sơn La cũng như xã Chiềng Chung trồng được cây cà phê arabica này. Giờ cà phê là cây chủ lực của bà con nông dân Chiềng Chung, giúp bà con phát triển kinh tế, nhà cửa khang trang, con cái được đến trường, không còn khó khăn như trước kia khi trồng ngô, trồng sắn.
Cũng như Sơn La, Lâm Đồng là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp thông minh. Thời gian qua, địa phương này đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu cho nông sản của tỉnh như: Đẩy mạnh chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm; tham gia vào các chuỗi giá trị trong nước và xuất khẩu; liên kết với hợp tác xã, tổ sản xuất, hộ nông dân để hình thành vùng nguyên liệu ổn định, xử lý sau thu hoạch tập trung, chế biến, phân phối và xuất khẩu nông sản của tỉnh....
Xác định phát triển lĩnh vực nông nghiệp là 1 trong 4 khâu đột phá, vì vậy trong thời gian tới Lâm Đồng tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ sản xuất, mở đường cho sản xuất phát triển, đặc biệt tạo sự hợp tác và liên kết sâu rộng từ sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra động lực mới.
Không chỉ có Sơn La hay Lâm Đồng, những năm gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đã có chủ trương đẩy mạnh sản xuất các mô hình nông sản sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ chất lượng cao như lúa hữu cơ, tiêu hữu cơ; dược liệu, cà phê gắn với tín chỉ carbon và một số mặt hàng nông sản sạch khác; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đồng hành với nông dân, từng bước nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, giúp nông dân ổn định cuộc sống trên đồng đất canh tác của mình.
Qua hợp tác liên kết sản xuất, bản thân các doanh nghiệp cũng nhận ra rằng, tiếp cận khách hàng, chọn lựa thị trường và xây dựng thương hiệu là cánh cửa mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm nông sản.
Chất lượng đi đôi với minh bạch thông tin
Nhận định của giới chuyên gia kinh tế, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam đã có bước tăng trưởng ngoạn mục (từ 30 tỷ USD năm 2015 lên 53 tỷ USD năm 2023, và đạt hơn 46 tỷ USD trong 9 tháng năm 2024), đứng trong top 15 các quốc giá xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Sự hiện diện ngày càng lớn của nông sản Việt trên thị trường quốc tế là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của người nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý trong việc cải thiện chất lượng, đàm phán và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.
Đánh giá về các mặt hàng nông sản của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, với những lợi thế về nông nghiệp và điều kiện tự nhiên, nông sản Việt Nam có những thế mạnh nhất định để cạnh tranh trên thị trường thế giới và tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, bà Trịnh Huyền Mai - Phó trưởng Phòng Chính sách - xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – cho biết, thời gian qua, chất lượng của nông sản Việt có cải thiện đang kể để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khó tính hơn, đa dạng hơn, kỹ hơn về an toàn thực phẩm, về hình thức, mẫu mã, bao bì và cả chất lượng dịch vụ cung ứng.
Tuy nhiên, cùng với chất lượng thì yếu tố minh bạch thông tin sản phẩm cũng rất quan trọng. Thời gian gần đây, các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến đều được cấp mã số vùng trồng, mã truy xuất nguồn gốc, triển khai áp dụng các chương trình VietGap, GlobalGap cho sản phẩm của mình.
Dưới góc độ doanh nghiệp, nhiều ý kiến bảy tỏ, để các mặt hàng nông sản “hút” thêm nhiều ngoại tệ, trước tiên trái cây phải đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật, mở rộng loại quả mới vào các thị trường và không để dịch bệnh.
Quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng của trái cây Việt Nam để chủ động đáp ứng tất cả các thị trường. Khi một thị trường biến động hoặc có những thị trường khác nổi lên, chúng ta có thể chuyển đổi đưa trái cây Việt chào mời ngay… Có như vậy xuất khẩu mới đi xa, đi sâu, tăng trưởng bền vững.
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, nông sản Việt cần phải chinh phục thị trường Việt. Việc nâng cao chất lượng, định vị và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt “chắc chân” trên sân nhà không chỉ là yếu tố tiên quyết để khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản nội địa, mà còn giúp các sản phẩm tự tin vươn ra toàn cầu.
Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Qua số liệu của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy mức độ đảm bảo an toàn thực phẩm đã được nâng cao đáng kể. |