Cơ cấu lại diện tích nuôi tôm
Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, mặc dù diện tích nuôi và sản lượng tôm tăng trưởng mạnh nhưng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ đạt 3,6 tỷ USD trong năm 2018, giảm 7,8% so với năm 2017. Thị trường tiêu thụ tôm của Việt Nam giảm mạnh như Trung Quốc giảm 28%, Nhật Bản 9,2%, Hoa Kỳ 3,3%, EU 2,8%.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, ngành nuôi tôm công nghiệp xuất khẩu vẫn chưa thoát ra được những yếu kém vốn tồn tại rất lâu. Cụ thể, chưa làm chủ công nghệ tạo con giống mà phải nhập khẩu 90% tôm chân trắng bố mẹ; thức ăn nuôi tôm chiếm 65 - 70% giá thành sản xuất; giá thành sản xuất tôm cao hơn các nước như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ; nhiều vùng nuôi còn sản xuất nhỏ lẻ; tình trạng lạm dụng hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn. Bên cạnh đó, con tôm của Việt Nam còn bị sức ép từ rào cản thuế chống bán phá giá; một số thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU kiểm soát gắt gao hơn về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Ảnh minh họa |
Để đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 4,2 tỷ USD trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu ngành nuôi tôm cần tập trung tái cơ cấu ngành tôm theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm soát chất lượng con giống, vật tư đầu vào, chất lượng sản phẩm; đồng thời xử lý nghiêm khi phát hiện nguyên liệu bị bơm chích tạp chất. Cơ quan quản lý, DN, người nuôi tôm cần xây dựng hình ảnh tôm Việt Nam nuôi sinh thái, hữu cơ, từng bước xây dựng thương hiệu con tôm Việt Nam chất lượng, an toàn và có giá trị cao trên thị trường thế giới. Một thành viên thuộc nhóm Sáng kiến hạ lưu sông Mekong cho rằng, để ngành nuôi tôm công nghiệp phát triển và con tôm của Việt Nam có giá trị trên thương trường thế giới, cần thực thi đồng bộ từ vùng chuyên canh với môi trường sạch, chủ động được con giống, nâng cao chất lượng sản phẩm.