Chuyên gia khuyến cáo: Cần ngăn tình trạng các trường “chạy đua” tổ chức kỳ thi riêng
Tổ chức các kỳ thi riêng thành xu hướng song có thực sự chất lượng?
Thời gian qua, nhiều trường đại học đã có đề án tuyển sinh được đánh giá khá đa dạng với các phương thức như xét điểm /chu-de/ky-thi-tot-nghiep-thpt-quoc-gia.topic, xét kết quả học bạ, xét chứng chỉ quốc tế… Trong đó, việc tổ chức kỳ thi riêng để lấy kết quả xét tuyển được coi là phương thức độc lập, trở thành xu hướng khi ngày càng có nhiều trường tổ chức.
Năm 2024, trong đợt tuyển sinh này, nhiều cơ sở giáo dục đại học tiếp tục công bố phương thức tuyển sinh mới - tổ chức kỳ thi riêng. Hiện nay, ngoài hai kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; còn có những kỳ thi riêng của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt Đức...
Nở rộ các kỳ thi riêng ở nhiều trường đại học. Ảnh minh hoạ |
Trao đổi về vấn đề trên, TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định, việc tổ chức các kỳ thi riêng để phục vụ xét tuyển đại học dường như đang trở thành xu hướng trong những năm gần đây.
TS. Khuyến cho biết, Luật Giáo dục đại học không cấm các trường tự chủ phương án tuyển sinh, tức là không cấm các trường tổ chức những kỳ thi tuyển sinh riêng. Như vậy, về mặt về mặt pháp lý, các trường không vi phạm. Tuy nhiên về mặt chất lượng thì lại có mấy vấn đề.
Dẫn lại tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, TS. Khuyến cho rằng, đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Điều đó có nghĩa, hướng đến kỳ thi chung gọn nhẹ, giảm phiền hà cho người học và cho phụ huynh. Nếu ngày càng có nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng tức là đang đi ngược lại tinh thần của Nghị quyết.
"Luật Giáo dục đại học không cấm các trường tự chủ phương án tuyển sinh, tức là không cấm các trường tổ chức những kỳ thi tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, nếu các trường muốn tổ chức kỳ thi riêng, phải chứng minh được là kỳ thi đó được tổ chức tốt hơn, hiệu quả hơn kết quả thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức" - TS. Khuyến nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết thêm, phương thức tuyển sinh riêng đã có nhiều trường trên thế giới giới áp dụng, nhưng phương thức này phù hợp với điều kiện, hệ thống quản lý giáo dục của quốc gia đó, trong khi tại Việt Nam chưa đảm bảo.
"Ví dụ đề thi của các kỳ thi riêng hiện thường mang tính tổng hợp, kiến thức trải rộng từ lớp 10 đến 12 và được coi là bài kiểm tra cơ bản để đánh giá năng lực của thí sinh toàn diện hơn. Để đạt được điều này, các chuyên gia ra đề phải thực sự am tường về đo lường, đánh giá trong giáo dục - chuyên gia giáo dục nêu ý kiến.
Thực tế, đề thi của kỳ thi riêng bây giờ theo xu hướng phải đi vào những vấn đề trên, chúng ta đang rất hiếm những chuyên gia như vậy, nhất là các trường chuyên ngành lại càng không có hoặc thiếu những chuyên gia thực sự am tường về đo lường, đánh giá trong giáo dục.
TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Mặt khác vị chuyên gia này phân tích, công tác tổ chức kỳ thi không phải đơn giản, nếu các trường cứ đua nhau tổ chức kỳ thi riêng trong khi chất lượng chưa chắc đảm bảo chỉ tạo thêm gánh nặng thêm cho thí sinh. Việc có quá nhiều các kỳ thi sẽ dễ gây lãng phí, tốn kém, tâm lý của thí sinh cũng có thể bị ảnh hưởng do muốn "ôm đồm" nhiều kỳ thi nhằm tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học.
Không thể “thả nổi” các kỳ thi riêng
Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh lựa chọn thêm các kỳ thi riêng của các trường đại học tổ chức, có em đăng ký 2-3 kỳ thi.
Bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thầy cô giáo cũng chủ động hướng dẫn các em những phương pháp học, phương pháp ôn luyện và làm các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, để các em có thể tham gia được các kỳ thi khác nhau.
Như vậy, bản thân mỗi giáo viên cũng phải tự cập nhật, đổi mới để hướng dẫn học sinh, vì kỳ thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy đều có những điểm khác biệt và đòi hỏi cao hơn so với kỳ thi tốt nghiệp. Nếu học sinh không được tiếp cận với phương pháp làm bài, phương pháp giải các dạng bài như vậy, sẽ rất khó đạt điểm trúng tuyển.
"Năm 2024, ngày càng xuất hiện nhiều kỳ thi riêng để xét tuyển đại học. Chính vì vậy, các thầy cô cũng phải cập nhật thường xuyên những kiến thức mới nhất, yêu cầu mới nhất của các kỳ thi, để tự nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của học sinh. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của các thầy cô" - thầy Bình cho hay.
Chính từ những bất cập đó, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, cần ngăn tình trạng các trường “chạy đua” theo tổ chức kỳ thi riêng.
Mặc dù luật không cấm, nhưng ông cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể “thả nổi”. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phương án siết chặt tình trạng trên. Chẳng hạn, yêu cầu các trường làm đề án về phương thức xét tuyển một cách nghiêm túc, đầy đủ, trong đó, đối với việc tổ chức một kỳ thi riêng, trường phải chứng minh được là đủ khả năng tổ chức một kỳ thi tốt hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường đại học dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực. Tỉ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả các phương thức. Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2024, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, năm 2023 có 546.686 thí sinh trúng tuyển đã thực hiện việc nhập học tại các trường trong cả nước, đạt tỷ lệ 82,45% tổng chỉ tiêu đại học và cao đẳng mầm non. Điều đáng nói, chỉ 2,57% thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. |