Chuyên gia Hoàng Phúc Lâm lý giải hiện tượng sương mù dày đặc ở Hà Nội
Sáng 2/2, Hà Nội có sương mù dày đặc. Sương mù dày khiến tầm nhìn bị giảm, việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra nhiều chuyến bay ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) cũng đã phải tạm dừng cất cánh và hạ cánh.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có những lý giải về hiện tượng này.
This browser does not support the video element.
PV: Thưa ông, nguyên nhân nào gây ra hiện tượng sương mù dày đặc, trắng xóa ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc hôm nay?
TS. Hoàng Phúc Lâm: Thời tiết ở Hà Nội và cũng như các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ mấy ngày hôm qua đều xảy ra hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù. Riêng sáng nay, hiện tượng sương mù dày đặc hơn so với những ngày trước.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sương mù dày đặc như hiện nay, thứ nhất là trong suốt thời gian qua, Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ liên tục có mưa phùn, mưa nhỏ nên độ ẩm không khí cao.
Thứ hai, ngày hôm nay khá lặng gió, nên không khí sẽ xáo trộn ít.
Thứ ba, trong tuần trước liên tục có các đợt không khí lạnh mạnh, tuy nhiên các lớp không khí lạnh rất mỏng, nên chỉ làm lạnh ở lớp mỏng sát bề mặt.
Qua đo đạc, chúng tôi nhận thấy nhiệt độ không khí ở sát bề mặt hiện nay thấp hơn so với nhiệt độ không khí ở độ cao 900m, tạo nên lớp nghịch nhiệt, khiến toàn bộ không khí, hơi ẩm kể cả bụi bẩn cũng tập trung ở lớp sát bề mặt, gây ra hiện tượng sương mù kèm ô nhiễm như hiện nay.
PV: Hiện tượng sương mù như vậy có gì bất thường không, thưa ông?
TS. Hoàng Phúc Lâm: Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát mặt đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km, sương mù dày đặc có thể làm giảm tầm nhìn xuống dưới 50m.
Hiện tượng sương mù thường xuyên xảy ra hằng năm trong mùa Thu kéo dài đến mùa Xuân, cao điểm vào mùa Đông nên thời gian này xảy ra hiện tượng sương mùa là bình thường.
Sương mù dày đặc ở Hà Nội vào sáng 2/2 |
PV: Dự báo tình trạng sương mù đặc quánh này kéo dài đến khi nào, thưa ông?
TS Hoàng Phúc Lâm: Theo dự báo của chúng tôi, tình trạng sương mù dầy và mưa phùn sẽ còn có khả năng kéo dài đến khoảng sáng 4/2. Từ ngày 5/2 sương mù và mua phùn sẽ có xu hướng giảm do có một bộ phận không khí lạnh yếu di chuyển xuống các tỉnh miền Bắc nước ta.
PV: Xin ông chia sẻ về dự báo thời tiết từ nay đến Tết Nguyên đán?
Theo dự báo hiện tại, ở các tỉnh miền Bắc từ nay đến ngày 7/2 thời tiết chủ đạo là mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù về đêm và sáng, trưa chiều trời có nắng, riêng khu vực đồng bằng và Hà Nội khả năng xuất hiện nắng là không cao.
Các tỉnh miền Trung và miền Nam duy trì trang thái thời tiết tốt.
Từ ngày 8 - 9/2 (từ 29 tháng Chạp) khả năng không khí lạnh sẽ được tăng cường kết thúc mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù ở các tỉnh miền Bắc nhưng sẽ khiến những ngày Tết Nguyên đán trời sẽ chuyển rét, vùng núi rét đậm, có nơi rét hại.
Các tỉnh miền Trung khả năng xuất hiện mưa tập trung ở khu vực Trung Trung Bộ là chính. Thời tiết tại các tỉnh miền Nam là nơi có thời tiết nắng mạnh trong những ngày Tết Nguyên đán, rất ít khả năng xuất hiện mưa, ban ngày trời nắng nhất là khu vực Nam Bộ có nơi xuất hiện nắng nóng trên 35 độ C.
Xin cảm ơn ông!