Thứ hai 23/12/2024 11:26

Chuyển đổi số trong báo chí: Nhanh chóng hoàn thành chiến lược

Chuyển đổi số là xu thế toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Báo chí cần thay đổi để thích ứng nhanh chóng với thời đại mới.

Chuyển đổi số là nhu cầu cấp thiết

Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số là báo chí, truyền thông. Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật - Báo VietnamPlus cho rằng: “Độc giả không còn thụ động ngồi chờ chúng ta cung cấp tin tức. Muốn phát triển độc giả, đặc biệt là giới trẻ, các tòa soạn phải lao đến các nền tảng mà người đọc (và cả người xem) đang tập trung đông đảo ở đó.”

Tại Việt Nam, tính đến ngày 30/11/2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử: 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in): 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Ngoài ra, có 224 cơ quan báo chí (trung ương: 164; địa phương: 60) thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có cả những cơ quan báo chí đã có loại hình điện tử. Có 227 chuyên trang của 88 cơ quan báo chí điện tử, gồm: 178 chuyên trang của 62 cơ quan báo chí Trung ương; 49 chuyên trang của 26 cơ quan báo chí địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan báo chí chưa có phiên bản điện tử hay trang thông tin điện tử, chuyên trang, tập trung phần lớn ở khối tạp chí, nhất là tạp chí khoa học.

Một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata… Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí.

Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV hay Vietnamplus, VnExpress, Zing… Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều đơn vị báo chí, nhất là báo ngành, địa phương chậm chuyển đổi số vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật, kinh phí và nhân sự.

Thạc sĩ Vũ Hồng Thuý - Báo Pháp luật Việt Nam nhận xét: “Các cơ quan báo chí đều sớm hiểu rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.”

Tuy nhiên, các nền tảng nội dung xuyên biên giới đang làm cho báo chí trong nước mất dần nguồn thu và giảm tầm ảnh hưởng của báo chí về mặt thông tin, mất nguồn thu cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều cơ quan báo chí phải chạy theo lượng truy cập (view), khiến cho chất lượng nội dung sa sút, không bám sát tôn chỉ, mục đích.... Sự sụt giảm lượng truy cập kéo theo sụt giảm doanh thu quảng cáo trực tuyến hiển thị trên nền tảng web. Theo SimilarWeb, 6 tháng gần nhất (kỳ thống kê tính từ tháng 4 đến hết tháng 9/2021), lượng truy cập (traffic) của các tờ báo điện tử Việt Nam giảm trung bình 11%.

Trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình. Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí. Việc hỗ trợ của nhà nước giúp cơ quan báo chí chuyển đổi số bước đầu chọn lựa ra 20% cơ quan báo chí gây ảnh hưởng 80% độc giả, sau đó hỗ trợ 80% cơ quan báo chí còn lại.

Chiến lược chuyển đổi số báo chí

Tháng 11/2021 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước); 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí,…

Đến năm 2030, 90% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 90% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 90% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí, 50% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân,…

Để thực hiện các mục tiêu chiến lược, dự thảo xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó bao gồm những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong quá trình triển khai chiến lược.

Những giải pháp này bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật, phát triển các sản phẩm báo chí số, phát triển nền tảng số, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống, ứng dụng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số báo chí, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Bộ Công Thương tích cực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Nhà Thông Minh Rạng Đông: Giải pháp sống tiện nghi và bền vững cho tương lai xanh

Công viên Logistics Viettel sắp khai trương có gì đặc biệt?

Hải Dương: Chuyển biến tích cực trong công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

Pháp lý tài sản số trước thềm ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số

Khai mạc Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á năm 2024

Sinh viên Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đạt giải ba cuộc thi Năng suất chất lượng 2024

Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp 'bắt tay' với trường đại học đào tạo phát triển nhân tài số

ICT Competition 2024 - 2025 chính thức khởi động, nhiều cơ hội học tập cho sinh viên công nghệ

Nguy cơ an ninh mạng vẫn là 'thảm hoạ' với sự tồn tại của doanh nghiệp

Tập trung phát triển bộ giải pháp, dịch vụ an ninh mạng cho doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Sẽ đẩy mạnh số hoá, dùng AI phục vụ công tác pháp điển

Câu chuyện từ những doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số

Tăng tốc kết hợp 5.5G và AI để dẫn đầu kỷ nguyên AI di động

Nhiều nhân viên của các tổ chức thiếu kiến thức cơ bản về an ninh mạng

Tập đoàn Viettel nói về giá và chất lượng mạng 5G sau 9 ngày thử nghiệm

Câu chuyện chuyển đổi số ở tỉnh nghèo Hà Giang

Để mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% vào GDP không còn là thách thức

Nâng cao năng lực cho mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số Việt Nam