Chuyển dịch cơ cấu nguồn cung, gia tăng giá trị hạt tiêu xuất khẩu
Giá xuất khẩu hạt tiêu tháng 4/2021 đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2018
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 4/2021 đạt 32,2 nghìn tấn, trị giá 105,22 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với tháng 3/2021, so với tháng 4/2020 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 45,5% về trị giá. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt xấp xỉ 93,6 nghìn tấn, trị giá 284,3 triệu USD, giảm 19,6% về lượng, nhưng tăng 14,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 4/2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.265 USD/tấn – ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 12/2018 |
Tháng 4/2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.265 USD/tấn - ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 12/2018, tăng 10,6% so với tháng 3/2021 và tăng 62,2% so với tháng 4/2020. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.039 USD/tấn, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu sang một số thị trường đạt mức cao, như: Thái Lan đạt 3.930 USD/tấn; Đức đạt 3.796 USD/tấn; Hà Lan đạt 3.786 USD/tấn.
Tháng 4/2021, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hà Lan, Ai Cập giảm so với tháng 4/2020, nhưng xuất khẩu sang các thị trường gồm: Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Pakistan, Đức, Anh, Hàn Quốc, Philippines tăng. Trong 4 tháng đầu năm 2021, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính giảm, nhưng xuất khẩu sang thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Anh tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Báo cáo của Hiệp hội Hạt tiêu quốc tế (IPC) cho thấy, nguồn cung hạt tiêu toàn cầu hạn chế do diện tích giảm, năng suất thấp do yếu tố thời tiết không thuận lợi và kỹ năng bảo quản chưa tốt. IPC nhận định sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2021 dự kiến đạt 555.000 tấn, giảm 21.000 tấn so với năm 2020.
Nguồn cung giảm đã hỗ trợ giá hạt tiêu toàn cầu tăng ở hầu hết các nước sản xuất. Tại cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 17/5/2021, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng tăng 1,4% so với ngày 29/4/2021, lên mức 3.645 USD/tấn và 3.685 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 1,1% so với ngày 29/4/2021, lên mức 5.389 USD/tấn. Tại Brazil, ngày 17/5/2021, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 1,3% so với ngày 30/4/2021, lên 3.925 USD/tấn.
Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), đầu năm 2021, những thị trường chính của hạt tiêu Việt Nam dần ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên tiêu thụ tăng. Đây là các yếu tố giúp hạt tiêu xuất khẩu tăng mạnh về giá trị.
Cơ hội gia tăng ở hạt tiêu chất lượng cao
Hiện, EU, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Nga, Thái Lan, Hàn Quốc, Mexico, Nam Phi là 10 thị trường nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới.
Tại EU, năm 2020, thị phần hạt tiêu của Việt Nam chiếm 27,84% trong tổng giá trị nhập khẩu của thị trường này, thấp hơn so với 30,37% trong năm 2019. Dự báo trong ngắn hạn, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang EU sẽ gặp khó khăn do diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 tại EU là tín hiệu tích cực đối với hoạt động xuất khẩu hạt tiêu vào thị trường này. EVFTA được cho là cơ hội để gia tăng giá trị xuất khẩu hạt tiêu vào thị trường EU.
Để khai thác tốt thị trường tiềm năng lớn này, các chuyên gia cho rằng, ngành hạt tiêu Việt Nam cần xây dựng và phát triển các vùng sản xuất, tuân thủ các quy trình thực hành nông nghiệp tốt, tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường kiểm soát, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hạt tiêu, nhằm tạo ra sản phẩm hạt tiêu đáp ứng yêu cầu của thị trường EU.
Tại Trung Quốc, một trong 10 thị trường nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, năm 2020, thị phần hạt tiêu của Việt Nam chiếm 8,98% trong tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với 6,95% trong năm 2019. Mặc dù tốc độ nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam tăng cao hơn so với tốc độ nhập khẩu chung, tuy nhiên, ngành hạt tiêu Việt Nam chưa khai thác tốt thị trường xuất khẩu Trung Quốc. Nguyên nhân có thể là do phía Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với chủng loại hạt tiêu trắng, trong khi Việt Nam chủ yếu sản xuất hạt tiêu đen.
Dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng chậm lại trong ngắn hạn. Trung Quốc vẫn nhập khẩu cầm chừng sau khi giá hạt tiêu tăng “nóng” thời điểm tháng 3/2021. Về dài hạn, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hạt tiêu tiềm năng lớn mà doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động thông quan hàng hóa chậm, thì các nước có chung đường biên giới, đất liền càng phát huy lợi thế.
Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm, nhưng xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng. Cụ thể, xuất khẩu hạt tiêu đen xay đạt 7,6 nghìn tấn, trị giá 25,58 triệu USD trong quý I/2021, tăng 21,6% về lượng và tăng 40,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu hạt tiêu trắng xay tăng 73,8% về lượng và tăng 114,5% về trị giá.
Như vậy có thể thấy, ngành hạt tiêu Việt Nam đã có sự chuyển dịch trong cơ cấu chủng loại xuất khẩu, giảm lượng xuất khẩu nhưng đã chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp ký hợp đồng mua hạt tiêu trồng hữu cơ, bảo đảm chất lượng có giá cao hơn thị trường 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Dự báo giá tiêu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song mức tăng không lớn. Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, trong bối cảnh giá hạt tiêu biến động, ngành hạt tiêu Việt Nam cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nguồn cung. Hạt tiêu hữu cơ là một trong những hướng đi bền vững, giúp gia tăng giá trị sản phẩm so với các loại hạt tiêu trồng truyền thống.
Mục tiêu đến năm 2030, ngành hạt tiêu Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ xuất khẩu hạt tiêu trắng lên 30 - 40%. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như hạt tiêu hữu cơ, hạt tiêu đỏ, hạt tiêu xay, nhựa dầu hạt tiêu. |