Chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội: Phát triển có chọn lọc
Chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2019 được triển khai xây dựng với mục tiêu phát triển có chọn lọc các ngành hàng, nhóm sản phẩm |
Doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm CNCL sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, như: Hỗ trợ lập hồ sơ; ưu tiên bố trí vào khu công nghiệp khi có dự án mở rộng sản xuất, kinh doanh; tiếp cận quỹ phát triển của thành phố với lãi suất ưu đãi 6,95%/năm, thời gian vay tối đa 15 năm; tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước và được quảng bá trên các phương tiện thông tin của thành phố…
Năm 2019 là năm thứ 2 Hà Nội triển khai chương trình với mục tiêu lựa chọn 60-70 sản phẩm của 35- 40 doanh nghiệp, trình UBND thành phố công nhận sản phẩm CNCL. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ 16 doanh nghiệp với 22 sản phẩm tham gia xét chọn, đạt 30% kế hoạch.
Nói về điều này, ông Đàm Tiến Thắng cho hay: Số lượng doanh nghiệp quan tâm và hào hứng với chương trình chưa nhiều, bao gồm cả khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên do, doanh nghiệp còn ngại ngần giao tiếp với các cơ quan quản lý nhà nước, ngại hoàn thiện hồ sơ thủ tục và khó bố trí nhân lực cho triển khai các hoạt động.
"Rút kinh nghiệm năm 2018, năm 2019 văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình đơn giản hơn, Sở Công Thương sẵn sàng cử cán bộ tới hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ. Doanh nghiệp không mất bất cứ một loại chi phí nào tham gia chương trình" - ông Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh.
Trước ý kiến phải chăng những ưu đãi với sản phẩm CNCL chưa đủ sức hấp dẫn với doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Công Thương thành phố cho rằng: Những doanh nghiệp tham gia và có sản phẩm được công nhận hầu hết có quy mô lớn, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, do vậy những ưu đãi về vốn, xúc tiến thương mại… không có nhiều sức nặng.
Tuy nhiên, thành phố sẽ cố gắng tạo ra tư cách pháp nhân cho nhóm doanh nghiệp này bằng cách thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp có sản phẩm CNCL. Bên cạnh việc được tham gia các chương trình lớn của thành phố, câu lạc bộ sẽ tham mưu với UBND thành phố nhằm tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và thực sự hữu hiệu với doanh nghiệp.
Hơn nữa, ngoài các tiêu chí về kinh tế, tham gia chương trình xét chọn sản phẩm CNCL, doanh nghiệp phải hoàn thành trách nhiệm xã hội. Đây cũng là yếu tố phải đáp ứng nếu doanh nghiệp muốn đứng vững trên thị trường xuất khẩu.
Ông Đàm Tiến Thắng cũng khẳng định, với mục tiêu và ý nghĩa lớn, chương trình sẽ không hạ thấp các tiêu chí nhằm thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ là những cánh chim đầu đàn dẫn dắt kinh tế của thành phố. Với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành phố đã có nhiều chương trình hỗ trợ khác như: Khuyến công, xúc tiến thương mại…
Được biết, năm 2018 đã có 61 sản phẩm của 36 doanh nghiệp được UBND thành phố công nhận sản phẩm CNCL, giá trị sản xuất của các sản phẩm CNCL chiếm hơn 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 xét chọn được 80 sản phẩm CNCL; năm 2025 xét chọn được 125 sản phẩm. |