Đây là lần thứ hai (lần thứ nhất là ngày 30/3/2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Lời kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài về phòng, chống đại dịch Covid-19 thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước về việc tạo điều kiện hết sức để chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của nhân dân là trên hết, trước hết; thể hiện quyết tâm cao đẩy lùi bằng được dịch bệnh.
Lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng ta có tác dụng như một lời hiệu triệu toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung sức, đồng lòng, cố gắng hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh. Đồng thời tiếp thêm động lực cũng như ý thức trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Lời kêu gọi này có một điểm nhấn cực kỳ quan trọng là: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Đặc biệt bài học về chủ động, linh hoạt sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh cũng đã được Tổng Bí thư nhấn mạnh trong Lời kêu gọi ngày 29/7/2021.
Những tinh thần chỉ đạo và bài học nêu trong Lời kêu gọi của Tổng Bí thư đã được ngành Công Thương với trách nhiệm của mình nghiêm túc quán triệt trong việc thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu kép, vừa bảm đảm ưu tiên cao nhất cho chống dịch, vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm đời sống nhân dân, an sinh xã hội.
Bộ Công Thương luôn chủ động tìm các giải pháp hỗ trợ các địa phương phát triển kinh tế, vượt qua thách thức từ đại dịch Covid-19 |
Thời gian qua, nhất là từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, ngành Công Thương đã tăng cường chỉ đạo, điều hành và hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương bằng cơ chế chính sách. Trong đó riêng từ ngày 8/7 - 4/8/2021, Bộ Công Thương đã ban hành 22 văn bản ở các cấp độ từ hỏa tốc đến khẩn nhằm giảm thiểu nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất hàng hóa cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống nhân dân.
Có thể dẫn ra đây nhiều ví dụ cho vấn đề này. Mặc dù Chính phủ đã quy định danh mục các mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng, mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau. Ngày 27/7/2021, Bộ Công Thương có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê Danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông.
Ngày 30/7, Bộ Công Thương đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện đợt thứ tư. Đề xuất này của Bộ Công Thương đã nhanh chóng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và được thể hiện trong Nghị quyết của Chính phủ.
Trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã kiên trì đề xuất mở cửa một số chợ đầu mối, chợ dân sinh trên cơ sở bảo đảm các điều kiện chống dịch. Cùng đó kịp thời bám sát thực tiễn để cùng các địa phương thực hiện mô hình “mang chợ ra chỗ thoáng” để vừa hạn chế tối đa nguy cơ dịch từ tiếp xúc đông vừa bảo đảm cung ứng hàng tối đa.
Trong nỗ lực chung tay cùng các địa phương tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản, Bộ cũng đã chủ động trong việc “xoay trục” thị trường, lấy thị trường trong nước làm trọng tâm, được Chính phủ ghi trong văn bản chỉ đạo. Cùng đó Bộ đã cùng các bộ thúc đẩy mạnh khâu lưu thông phân phối, kêu gọi các nhà phân phối, các nhà bán lẻ, tập đoàn kinh doanh trong và ngoài nước vào cuộc trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Thực hiện chức năng, phạm vi quản lý Nhà nước của mình, Bộ Công Thương cũng tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số. Đã tập trung chú trọng hơn việc nâng cao chất lượng thu thập thông tin, dự báo diễn biến thị trường, điều chỉnh nguồn cung phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Cùng đó, phát huy vai trò của các hệ thống thương vụ để chủ động kết nối giao thương, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm vừa là để duy trì các thị trường đồng thời tránh phụ thuộc vào một vài thị trường.
Các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương đã tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường và trên thực tế đã chứng minh tầm quan trọng của công tác này trong bối cách dịch bệnh diễn biến phức tạp. Mục tiêu cao nhất là không để “đất sống” cho các hành vi lợi dụng dịch bệnh để găm hàng, nâng giá cũng như những hành vi ảnh hưởng đến việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Dịch bệnh Covid-19 lần này còn có thể diễn biến phức tạp hơn về quy mô, mức độ. Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, một khi cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh.