Chứng quyền có đảm bảo (CW) là sản phẩm do Công ty chứng khoán (CTCK) phát hành, được niêm yết trên sàn chứng khoán và có hoạt động giao dịch tương tự như chứng khoán cơ sở. Theo đó, CW luôn gắn liền với một mã chứng khoán cơ sở để làm căn cứ tham chiếu xác định lãi/lỗ. Vòng đời của CW sẽ kéo dài từ 3-24 tháng, nhà đầu tư (NĐT) mua CW có thể bán khi chứng quyền niêm yết trên sàn giao dịch hoặc giữ đến đáo hạn.
Lỗ giới hạn, lời vô hạn
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Thông – Giám đốc Giao dịch phái sinh SSI - cho biết, CW là sản phẩm thông dụng trên nhiều thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển. Các thị trường có sản phẩm CW phát triển như Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông hay Hàn Quốc có khá nhiều điểm tương đồng với TTCK Việt Nam, như tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia giao dịch lớn, chủ yếu là giao dịch ngắn hạn, có nhu cầu sử dụng công cụ đòn bẩy cao. Là một thị trường còn non trẻ, với sự tham gia của hơn 99% nhà đầu tư cá nhân, việc đưa những sản phẩm cấu trúc cao cấp đến với TTCK Việt Nam được xem là một bước đi đúng đắn và cần thiết.
Ông Nguyễn Đức Thông – Giám đốc Giao dịch phái sinh SSI (bên trái) - chia sẻ tại hội thảo |
Ông Thông cũng cho hay, một trong những ưu điểm đáng chú ý nhất của CW là tính chất "lỗ giới hạn, lời vô hạn". Nghĩa là khi nhà đầu tư mua CW thì mức lỗ sẽ giới hạn tối đa bằng tổng số tiền bỏ ra để mua CW (hay còn gọi là quyền phí), trong khi mức lời là "vô hạn" theo mức tăng của cổ phiếu cơ sở.
Giả định cổ phiếu A sẽ tăng trưởng trong thời gian tới nhưng những diễn biến trên thị trường gây ra một chút lo ngại nhưng về cơ bản đây là cổ phiếu tốt và nhà đầu tư không muốn bỏ lỡ cơ hội.
Giải pháp 1: Mua cổ phiếu A trên thị trường cơ sở. Nếu cổ phiếu A tăng như dự báo, nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận. Nếu thị trường không tăng như kì vọng, nhà đầu tư bị lỗ hoặc rơi vào rủi ro thanh khoản.
Giải pháp 2: Trả 1 khoản phí nhỏ cho sản phẩm chứng quyền bảo đảm để có quyền mua (không phải nghĩa vụ) để mua cổ phiếu A với giá xác định trước. Nếu cổ phiếu A tăng như dự đoán, nhà đầu tư thực hiện quyền mua. Nếu cổ phiếu A không tăng như kì vọng, nhà đầu tư có thể không thực hiện quyền mua và kiểm soát phần lỗ tối đa bằng chi phí bỏ ra.
Lấy ví dụ cổ phiếu MBB, với chứng khoán cơ sở nhà đầu tư sẽ bỏ ra chi phí ban đầu 220 triệu để sở hữu 10.000 mã MBB. Trong khi với CW, nhà đầu tư chỉ bỏ ra số vốn ban đầu là 25 triệu đồng để nhận về quyền mua cổ phiếu MBB (thời hạn 6 tháng) với giá xác định 22.000 đồng/cp.
Trường hợp mã MBB tăng giá lên 27.500 đồng/cp, với chứng khoán cơ sở nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu sẽ có lời 55 triệu, so với vốn ban đầu (220 triệu) thì tỷ lệ sinh lợi lúc này là 25%/vốn. Trong khi với CW, nhà đầu tư lãi 30 triệu, song so với vốn bỏ ra thì tỷ suất sinh lợi lên đến 120%/vốn, đây là lợi ích khi dùng đòn bẩy.
Sơ đồ tính lãi lỗ khi NĐT mua cổ phiếu MBB |
Tỷ suất lợi nhuận CP 25% nếu đầu tư sang CW thì tỷ suất lợi nhuận là 120% |
Ngược lại, trường hợp MBB chỉ tăng giá nhẹ lên 23.000 đồng, lúc này với chứng khoán cơ sở nhà đầu tư có lời 10 triệu, tuy nhiên với CW do chưa bù đắp được mức phí do đó sẽ phải thua lỗ 15 triệu đồng. Đây được hiểu là rủi ro càng cao khi dùng đòn bẩy tài chính càng cao.
Tuy nhiên, khi MBB giảm giá mạnh về chỉ còn 17.000 đồng/cp, dĩ nhiên nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu cơ sở lúc này thua lỗ đậm đến 50 triệu đồng, thì chủ nhân CW sẽ có quyền không thực hiện quyền mua MBB và chỉ mất đi mức lỗ tối đa là khoản vốn ban đầu 25 triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, nhà đầu tư Nguyễn Bá Thái cho biết, đối với những nhà đầu tư cá nhân, lợi ích lớn nhất từ CW mang lại chính là quản trị rủi ro, vì những nhà đầu tư cá nhân luôn gặp khó khăn trong việc đánh giá thị trường và mức độ rủi ro. Mặt khác, tính đòn bẩy cao từ CW sẽ giúp tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn của các nhà đầu tư cao hơn. “CW là một một sản phẩm hấp dẫn để đầu tư, khi CW chính thức phát hành tôi nghĩ mình sẽ quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm tài chính này”, ông Thái cho hay.
6 mã CW từ 4 mã chứng khoán cơ sở đầu tiên sẽ được phát hành
Được biết, CTCK muốn phát hành CW phải đạt những tiêu chuẩn nhất định về năng lực tài chính, và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép. Theo khảo sát trên thị trường hiện nay, có không quá 12 CTCK đủ điều kiện phát hành CW. Chứng khoán SSI là một trong số 7 đơn vị chứng khoán đầu tiên trên thị trường phát hành chứng quyền có bảo đảm, với 6 mã CW dựa trên 4 mã chứng khoán cơ sở, 6 mã CW dựa trên 4 mã chứng khoán cơ sở, gồm Tập đoàn FPT (FPT), Thế giới Di động (MWG) Ngân hàng MB (MBB), và Tập đoàn Hòa Phát (HPG).
Nói về công tác phát hành CW, ông Nguyễn Duy Linh - Phó Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng cá nhân SSI - cho biết, trong đợt đầu công ty sẽ phát hành CW đối với FPT và HPG có 2 kỳ hạn là 3 tháng và 6 tháng với khối lượng mỗi loại là 1 triệu đơn vị, với MBB là 3 tháng với khối lượng dự kiến là 3 triệu đơn vị, còn với MWG là 6 tháng với 1 triệu đơn vị.
SSI sẽ phát hành 6 mã CW dựa trên 4 mã chứng khoán cơ sở gồm FPT, MWG, MBB và HPG |
Liên quan đến việc phân bổ tỷ lệ chứng khoán cơ sở phải mua vào là bao nhiêu để đảm bảo kế hoạch hedging, ông Nguyễn Đức Thông cho hay, số lượng chứng khoán cơ sở SSI mua vào cho việc phát hành sẽ tùy thuộc vào giá cũng như thời hạn của CW. Song song, SSI sẽ dùng công thức trên thế giới để tính tỷ lệ chứng khoán cơ sở mua vào cho phù hợp. Về quyền cổ đông thì người sở hữu chứng quyền sẽ không có thì thực chất người sở hữu CW không sở hữu chứng khoán cơ sở.
Trong trường hợp nhiều CTCK cùng phát hành CW cho một mã chứng khoán, sẽ tùy thuộc vào định giá của mỗi đơn vị thì giá CW sẽ có giá khác nhau, đồng thời việc định giá cho CW còn dựa trên khả năng thanh toán, thời hạn, đặc biệt là mức thanh khoản của mỗi CW tại những tổ chức phát hành khác nhau.
“Với việc phát hành 6 mã CW sẽ giúp SSI tăng thị phần, tối ưu hóa nguồn vốn linh hoạt hơn trong hoạt động đầu tư tự doanh, tiếp tục đưa SSI trở thành đơn vị tiên phong trong việc ra đời các sản phẩm mới, hỗ trợ nhà đầu tư”, ông Thông khẳng định.