Chứng khoán toàn cầu biến động mạnh trước sự xuất hiện của "siêu biến thể" Omicron
Chỉ số chứng khoán biến động
Hiện mọi con mắt của thị trường đang dồn vào biến thể mới Omicron sau đợt bán tháo ngày thứ 6. Tối 28/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones (chỉ số bình quân được xác lập hàng ngày, thể hiện sự diễn biến của giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York) tăng liên tục trở lại. Lãi suất trái phiếu kho bạc và tiền điện tử cũng đã tăng trở lại sau đợt bán tháo hôm 26/11.
Sự phục hồi của thị trường chứng khoán đã bị xáo trộn trong tuần trước, khi một loạt các chỉ số chính được giảm xuống dưới mức trung bình vào ngày 26/11. Theo đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giám tới 2,5% - mức giảm mạnh nhất năm nay. Giá dầu chuẩn đối sánh của West Texas Intermediate giảm xuống dưới 70 USD/thúng tại New York, giảm gần 10%. Đây là lần đầu tiên giảm sau gần 2 tháng.
Trước thông tin về sự xuất hiện của “siêu biến chủng” Omicron, các nhà đầu tư đã bán bớt các tài sản rủi ro, từ cổ phiếu, dầu mỏ đến các loại tiền điện tử và chuyển sang mua trái phiếu chính phủ - được đánh giá là tương đối an toàn. Lợi suất kỳ hạn 10 năm của trái phiếu đã giảm 1,48% vào ngày 26/11 - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, khi làn sóng đại dịch đầu tiên khiến thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng hỗn loại. Thông thường, lợi tức và giá trái phiếu biến động ngược chiều. Tuy nhiên, trong phiên chiều chủ nhật, các chỉ số đã tăng trở lại. Sự không chắc chắn hiện tại đang khiến việc điều hướng thị trường trở nên khó khăn.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đang có dấu hiệu ổn định trở lại khi các nhà đầu tư đã sẵn sàng cho sự biến động của thị trường. Mặc dù trong phiên giao dịch sáng thứ hai (ngày 28/11) khá thất thường nhưng đã có dấu hiệu phục hồi khi chứng khoán S&P 500 tăng 0,8% và Nasdaq tăng 0,9%. Cả hai loại chỉ số chứng khoán này đều giảm mạnh ngày 26/11 khi các cổ phiếu trong ngành du lịch và hàng không đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, chỉ số MSCI đã giảm 0,1%, chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng giảm 0,02% sau khi giảm 1,4% vào phiên trước đó.
Marcel Thieliant, một nhà kinh tế học tại Capital Economics ở Singapore đánh giá tác động của biến thể này đối với nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện vẫn không rõ ràng.
“Biến thể mới với khả năng lây lan nhanh có thể gây ra nhiều gián đoạn và hạn chế đối với các hoạt động trong nước, đặc biệt là ở Trung Quốc với chiến lược không Covid. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu châu Á sẽ được hưởng lợi nếu phần còn lại của thế giới áp đặt các lệnh hạn chế mới đối với chi tiêu dịch vụ trong khi chi tiêu hàng hóa vẫn ở mức cao.”
Các triệu chứng 'cực kỳ nhẹ'
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ định chủng virus mới Omicron là “biến thể cần quan tâm”, nhưng nhấn mạnh rằng vẫn chưa rõ mức độ nguy hiểm và khả năng lây nhiễm. Cơ quan y tế thế giới đã cho biết các "bằng chứng sơ bộ" cho thấy biến thể này có thể dễ dàng lây nhiễm sang những người đã khỏi bệnh Covid-19 hơn các chủng khác.
Angelique Coetzee - vị bác sĩ người Nam Phi đã cảnh báo thế giới về biến thể này - cho biết, các triệu chứng ở bệnh nhân cho đến nay là "cực kỳ nhẹ" và bà tin rằng thế giới đang ở giai đoạn này đang hoảng loạn một cách không cần thiết.
Tuy nhiên, hàng chục quốc gia đã đóng cửa biên giới của họ với phần phía nam của châu Phi để ứng phó với biến thể này, trong đó các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Singapore, Australia và Nhật Bản thực hiện hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại.
Trinh D Nguyen - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis đánh giá biến thể này gây rủi ro, nhưng bà vẫn “lạc quan” về sự mở cửa trở lại và phục hồi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Chúng tôi vẫn lạc quan về sự mở cửa của khu vực này và coi đây là một rủi ro. Hy vọng thế giới có thể áp dụng chiến lược hiệu quả khi mà chúng ta đã có kiến thức và công cụ để chống lại virus” - bà Trinh D Nguyen bày tỏ.
Chưa đầy một tuần từ khi được phát hiện, nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận ca mắc Covid-19 liên quan đến Omicron, biến chủng được dự báo lây lan nhanh hơn và nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến chủng khác. Những động thái quyết liệt để hạn chế sự xâm nhập của biến chủng này đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo trong phiên cuối tuần.
Với sự xuất hiện của biến thể Omicron là ẩn số khó lường, giới đầu tư đang gặp khó khăn hơn trong việc dự báo chính sách tiền tệ và thị trường chứng khoán. Chỉ số biến động VIX đo lường mức độ sợ hãi của giới đầu tư đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3, đồng thời mức tăng mạnh cũng phản ánh sự không chắc chắn của nhà đầu tư đối với triển vọng tương lai của thị trường.