Chuẩn hóa sản xuất để gia tăng xuất khẩu nông sản vào Hoa Kỳ
Việt Nam bán nông sản nhiều nhất sang Hoa Kỳ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), quý I/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 6,3% so với quý I/2021; trong đó XK đạt khoảng 12,8 tỷ USD, nhập khẩu (NK) ước khoảng 9,8 tỷ USD; xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thanh long là một trong 6 loại trái cây của Việt Nam đã được Hoa Kỳ cấp phép nhập khẩu |
Đáng chú ý, thị trường XK lớn nhất là Hoa Kỳ đạt gần 3,5 tỷ USD (chiếm 27,1% thị phần), trong đó kim ngạch XK nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch XK nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.
Những tín hiệu tích cực trong XK nông sản sang thị trường “siêu khó tính này đã mở ra cơ hội tăng tốc XK sang Mỹ với kim ngạch lớn trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, các mặt hàng nông sản XK sang Hoa Kỳ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các nông sản tươi.
Đến nay, Hoa Kỳ đã cấp phép nhập khẩu 6 loại quả tươi từ Việt Nam, gồm: xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng vẫn được XK sang Hoa Kỳ nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh. Trong đó, việc XK trái dừa từ đầu năm đến nay không thuận lợi như trước.
Theo Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, nhà nhập khẩu Hoa Kỳ cho rằng, hai nướcc chưa có ký kết về XK mặt hàng dừa uống nước nên chưa cho nhập khẩu dừa uống nước. Việc tắc nghẽn XK sang thị trường Hoa Kỳ ảnh hưởng lớn đối với công ty. Các khách hàng đã tìm đến các nhà cung cấp khác. Sau này nếu mở cửa XK sang Hoa Kỳ trở lại công ty mất nhiều thời gian để tìm khách hàng mới.
Theo Sở Công Thương Bến Tre, lượng dừa xiêm XK, riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 40%, nhưng đến nay vẫn chưa XK được khiến quý I/2022 XK dừa xiêm (dừa uống nước) của các doanh nghiệp trên địa bàn giảm hơn 50% về lượng so với cùng kỳ năm trước.
Chuẩn hóa sản xuất để gia tăng kim ngạch XK
Theo các chuyên gia, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu để đáp ứng tiêu dùng nội địa là rau, củ, quả, cà phê, chè, hạt tiêu, cao su, hạt điều, thủy sản... Trong nhóm nông sản, đồ gỗ, thủy sản đạt kim ngạch lớn, nhưng gạo, cà phê, rau quả thì vẫn còn khiêm tốn. Dư địa XK nông sản sang thị trường Hoa Kỳ là rất lớn. Nhưng để XK sang thị trường này, doanh nghiệp Việt cần cam kết chất lượng, đảm bảo độ đồng đều, ổn định trong mỗi lô hàng XK để các nhà bán lẻ muốn đặt hàng dài hạn.
Là doanh nghiệp XK mạnh nhiều mặt hàng trái cây tươi vào thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc kỹ thuật Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group – lưu ý, khi kiểm tra chất lượng của trái cây, phía Hoa Kỳ sẽ kiểm tra luôn vỏ. Vì vậy, việc cách ly sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là vấn đề quan trọng. Nếu cách ly không đúng thời gian sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng XK.
Đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp, bà Jolie Nguyễn - đại diện Công ty dịch vụ Lương Nguyễn – cho hay, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thật đầy đủ, nhất là thị trường, định vị mình và đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường. Ngoài ra, để bảo quản trái cây, doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình khu vực sơ chế tập trung và cần phải được bảo quản lạnh ngay từ đầu để giữ được giá trị, chất lượng của sản phẩm ngay từ đầu và suốt quá trình vận chuyển.
Ông Marc Evans Knapper - Tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - nhận định, đồ gỗ nội thất và mặt hàng thủy sản sản xuất tại Việt Nam đang rất được người tiêu dùng Hoa Kỳ ưa chuộng, tin tưởng. Riêng đối với nhóm hàng trái cây và các thực phẩm nông sản khác, hiện các doanh nghiệp XK của Việt Nam mới khai thác được thị trường người gốc Á - dù tỉ lệ người gốc Á ở Hoa Kỳ hiện vẫn chưa cao. Trong khi đó, thị trường người Hoa Kỳ bản địa và người Hoa Kỳ gốc Latin vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác nhiều.
Rõ ràng, dư địa XK sang thị trường Hoa Kỳ là rất lớn. Và hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp tìm cách mở rộng thị phần sang thị trường này. Ông Lâm Thành Kiệt - giám đốc điều hành Công ty TNHH Trịnh Văn Phú - cho biết, sản phẩm gạo dinh dưỡng của doanh nghiệp này đã vào được thị trường Áo và Pháp. Trong tháng 3 và 4/2022, doanh nghiệp này cũng đã ký hợp đồng với đối tác ở thị trường Hà Lan và đang đàm phán với đối tác muốn độc quyền đưa gạo hữu cơ vào thị trường Hoa Kỳ.
Giữa tháng 4/2022, 16 tấn hàng nông sản, thực phẩm, gồm nước mắm, cà phê hòa tan, đồ uống cao cấp… vừa được Công ty cổ phần Pacific Foods XK sang thị trường Hoa Kỳ. Theo doanh nghiệp này, lô hàng XK được sản xuất thông qua chuỗi giá trị với quy trình lựa chọn nguyên liệu, sản xuất và thu hoạch được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến tay người tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Theo kế hoạch, trong tháng 4/2022 này, Pacific Foods tiếp tục xuất lô hàng 28 tấn gồm các sản phẩm nông sản, gia vị chủ lực đến Mỹ, trong đó có gạo Phúc Lộc và nước chấm thơm Youmi.
Bên cạnh nỗ lực từ các doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, vai trò của các đại sứ, tham tán thương mại tại các nước là hết sức quan trọng. Việc đưa các thông tin thị trường, đặc biệt là các thông tin về nhu cầu, thị hiếu, cảnh báo về thị trường điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tránh rủi ro, thua thiệt, mà còn tìm thấy được cơ hội XK từ những nguy nan.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thông qua kênh thương mại điện tử như tổ chức các phiên chợ online, tham gia các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba,... để thúc đẩy xuất khẩu.