Chữ 'tiền' vẫn làm khó doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh
Khó tiếp cận tín dụng
Theo báo cáo Chỉ số Xanh cấp tỉnh 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, tỷ lệ doanh nghiệp triển khai một hoạt động xanh hóa bất kỳ trong 2 năm 2022-2023 trung bình toàn quốc là 38,7%; tỷ lệ doanh nghiệp đã áp dụng các thực hành xanh tính đến thời điểm trước đây 2 năm trung bình toàn quốc là 17,7%. Đây được đánh giá là tỷ lệ rất thấp so với nhu cầu chuyển đổi xanh của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay.
Đổi mới sáng tạo xanh đang dần trở thành động lực quyết định quá trình mở rộng thị trường và phát triển kinh tế bền vững của nhiều quốc gia (Ảnh: Nguyễn Lượng) |
Chia sẻ tại một hội thảo do VCCI tổ chức mới đây, PGS, TS Nguyễn Thị Chính – Giám đốc Công ty TNHH Nấm Linh Chi cho rằng: Chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh là tiêu chí mà doanh nghiệp đang hướng tới, cụ thể doanh nghiệp Nấm Linh Chi đang muốn làm điện mặt trời áp mái cho trang trại 15.000 m2 để hướng tới tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất xanh, doanh nghiệp cũng gặp phải những khó khăn về vấn đề tài chính do các tiêu chí của ngân hàng đưa rất khó khăn, khiến doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không có tài sản bảo đảm; hoặc có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp, nên nếu được vay thì tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản bảo đảm thấp, khoảng 50-60%.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Đổi mới sáng tạo xanh là một hướng tiếp cận phát triển ngày càng được các nước trên thế giới quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khai thác quá mức tài nguyên... ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đổi mới sáng tạo xanh đang dần trở thành động lực quyết định quá trình mở rộng thị trường và phát triển kinh tế bền vững của nhiều quốc gia. Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, là trung tâm của đổi mới sáng tạo xanh khi doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ chi phối trong hầu hết các nền kinh tế và cũng là chủ thể tạo tác động lớn đến môi trường.
Chính phủ nhiều quốc gia đã có những chương trình, kế hoạch, giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo xanh. Việt Nam, thời gian qua, nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng xanh đã được ban hành, triển khai thực hiện và mang lại những kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, tại Báo cáo Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam do CIEM thực hiện dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội cho thấy, bên cạnh thách thức về nguồn vốn, một trong những thách thức mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh là nhận thức về /chu-de/trung-tam-doi-moi-sang-tao-quoc-gia.topic xanh còn hạn chế, chưa hiểu được tác động môi trường tới các hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng của các quy định về môi trường đến ngành và nhu cầu ngày càng tăng về kỹ năng xanh.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận thông tin và công nghệ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu kiến thức về các giải pháp công nghệ “sạch” thay thế và thông tin kỹ thuật để chuyển trọng tâm sang các mô hình kinh doanh hoặc phương pháp sản xuất một cách có hệ thống và đảm bảo yếu tố môi trường hơn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gặp khó khăn trong việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu với các quy định và tiêu chuẩn “xanh” ngày càng chặt chẽ hơn, tiêu chuẩn chất lượng cao hơn và do đó kéo theo chi phí cao hơn. Cùng với đó, việc thiếu hiểu biết về các kỹ năng xanh cản trở doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào đào tạo và nâng cao trình độ, dẫn đến thiếu nhân lực có trình độ để tạo ra các đổi mới sáng tạo xanh.
Cần giải pháp gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp (Ảnh: ST) |
Gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp
Nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh, theo CIEM: Nhà nước cần đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai thực hiện ở nhiều giai đoạn, từ hình thành ý tưởng, thử nghiệm, thương mại hóa… và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.
Các giải pháp, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo xanh có thể được triển khai linh hoạt dưới nhiều hình thức, công cụ khác nhau, bao gồm các giải pháp, chính sách tài chính như các chính sách hỗ trợ thuế, phí, các gói hỗ trợ tài chính, mua sắm công xanh, ... và các giải pháp, chính sách phi tài chính như hỗ trợ đào tạo, tư vấn kỹ thuật, cung cấp chuyên gia, thông tin thị trường, tiêu chuẩn môi trường, khuyến khích tiêu dùng xanh, ... Việc áp dụng các giải pháp, chính sách tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi nền kinh tế, đặc biệt là phù hợp với nền tảng tri thức, quy mô thị trường trong nước, thực trạng những ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm theo ưu tiên của mỗi quốc gia, trình độ, đặc điểm phát triển của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng và xu hướng thị trường.
Bên cạnh đó, các giải pháp, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính là một trong những chính sách công được nhiều quốc gia sử dụng để khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo xanh. Nhiều quốc gia hình thành các quỹ liên quan đến đổi mới sáng tạo xanh để hỗ trợ, ưu đãi nguồn lực cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo xanh, đổi mới sáng tạo sinh thái.
Đặc biệt, việc hình thành các quỹ hỗ trợ sáng kiến đổi mới sáng tạo xanh hoặc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xanh là các giải pháp hiệu quả thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D), thương mại hóa sản phẩm và các ý tưởng sáng tạo từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các quỹ hỗ trợ thường tập trung vào hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) công nghệ xanh nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi và ứng dụng công nghệ xanh trong doanh nghiệp.
Để gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp, bên cạnh nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, cần tăng cường huy động thêm nguồn vốn tư nhân, các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng và các tổ chức quốc tế cho nghiên cứu và phát triển lĩnh vực liên quan đến môi trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp. Nhiều quốc gia ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào quá trình thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh. Các nguồn lực này góp phần đảm bảo ngân sách công (nhà nước) được sử dụng hiệu quả và không lấn át các sáng kiến tư nhân trong các hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung, đổi mới sáng tạo xanh nói riêng.