Theo Quyết định số 4376/QĐ-BCT ngày 8/8/2008 của Bộ Công Thương, Thương vụ tại các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế (thương vụ) là cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương và là một bộ phận thuộc cơ cấu tổ chức của Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Thương vụ có chức năng đại diện và bảo vệ lợi ích của Việt Nam, của các doanh nghiệp và cá nhân người Việt Nam trong quan hệ kinh tế - thương mại, công nghiệp, phát triển đầu tư công nghiệp, dịch vụ thương mại các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài.
Về quyền hạn, nhiệm vụ, Thương vụ là đại diện lợi ích kinh tế - thương mại, phát triển đầu tư công nghiệp, dịch vụ thương mại đó là tham gia các hoạt động kinh tế đối ngoại của Cơ quan Đại diện; tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; duy trì, thúc đẩy và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, công nghiệp, phát triển đầu tư công nghiệp, dịch vụ thương mại giữa Việt Nam với nước, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế.
Bên cạnh đó, Thương vụ có nhiệm vụ phối hợp hoạt động với các bộ phận trong Cơ quan Đại diện, với các cơ quan hữu quan ở trong nước thực hiện các nhiệm vụ do Bộ Công thương giao và Trưởng cơ quan Đại diện phân công. Tham gia hoạt động liên quan đến đàm phán và ký hiệp định kinh tế thương mại, công nghiệp, phục vụ các đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam sang làm việc; thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo phân công của lãnh đạo Bộ. Đồng thời, thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại; Hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ, đầu tư công nghiệp.
Trong tiến trình thực hiện mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng với chủ trương “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác” trải qua các giai đoạn, thời kỳ xây dựng và phát triển của đất nước, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được ví như là “sứ giả kinh tế”, người bắc cầu nối kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, góp phần phát triển thị trường xuất nhập khẩu.
Thời gian qua, nhận thức được vai trò quan trọng này của Thương vụ, Chính phủ và Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều cải cách để mở rộng cơ sở thương vụ tại các thị trường quan trọng trên khắp các châu lục của thế giới.
Đến nay, hệ thống Thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gồm 61 thương vụ và chi nhánh thương vụ. Trong đó, khu vực châu Á - châu Phi có 28 thương vụ và 4 chi nhánh.
Số thị trường kiêm nhiệm là 55; khu vực châu Âu - châu Mỹ có 26 thương vụ và 3 chi nhánh. Số thị trường kiêm nhiệm là 60. Ngoài ra, có một Phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 văn phòng xúc tiến thương mại (1 Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).
Hệ thống Thương vụ Việt Nam được xây dựng đồng bộ, chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, công việc. Đặc biệt chính sự liên kết chặt chẽ giữa thương vụ với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã giúp thương vụ hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt công tác thị trường nước ngoài.